Không thể dừng thu phí không dừng

Bắc Phong 09/10/2020 07:49

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra.

Thu phí điện tử không dừng nhằm đảm bảo tiến độ, kết nối liên thông, đồng bộ. Ảnh: Quang Vinh.

Việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC (không dừng) để thay thế cho phương thức thu phí thủ công một dừng (MTC) là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai thực hiện, tạo sự minh bạch trong thu phí, thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm với lái xe cố tình vi phạm pháp luật, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các trạm thu phí, đặc biệt đối với các trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) khi kiểm định phương tiện xe ô tô; đồng thời thực hiện chia sẻ dữ liệu phương tiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để đảm bảo đồng bộ về dữ liệu phương tiện giao thông.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quá trình lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin có liên quan đến hoạt động thu phí điện tử không dừng.

Thu phí điện tử không dừng nhằm đảm bảo tiến độ, kết nối liên thông, đồng bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc này đã không suôn sẻ.

Nhắc lại, ngày 9/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về đôn đốc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý. Tại đây, lãnh đạo Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12, các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

Tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định phù hợp với điều kiện vốn của dự án.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, nên tiến độ thực hiện thu phí không dừng không đáp ứng yêu cầu. Theo tính toán sơ bộ, để đầu tư và chuyển đổi toàn bộ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng đồng bộ cho tất cả dự án (tổng số còn 395 làn), cần nguồn vốn đầu tư 800 - 900 tỷ đồng.

Lúc đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã hỏi vậy thì Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể bỏ vốn đầu tư được không? Phó Thủ tướng cho rằng, chậm trễ trong việc xây dựng các trạm thu phí không dừng sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân. Vì thế không thể chậm trễ.

Nhưng vậy câu hỏi đặt ra là vì sao lại chậm trễ xây dựng và triển khai hoạt động của các trạm thu phí không dừng? Có nhiều cách để người ta biện minh nhưng sau đây chỉ xin dẫn lại một câu chuyện.

Ngày 3/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã chuyển kết luận điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Hoàng Huy (33 tuổi, nhân viên kế toán Trạm thu phí BOT T1, ở quận Ô Môn, Cần Thơ) về hành vi “tham ô tài sản”.

Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 6 đến ngày 10/2/2018, Huy nhận hơn 1,2 tỷ đồng từ tổng doanh thu của Trạm T1, nhưng không nộp cho nhân viên ngân hàng. Sau đó, từ khoảng tháng 4/2018, Huy tiếp tục nhiều lần chiếm đoạt 66 triệu đồng tiền quỹ của Công ty. Tổng số tiền Huy chiếm đoạt của Trạm T1 là hơn 1,3 tỷ đồng.

Chỉ với một kế toán viên trong thời gian ngắn đã chiếm đoạt được một khoản tiền lớn vì đó là tiền mặt, mới thấy nếu các BOT tiếp tục được thu tiền mặt (trực tiếp của người tham gia giao thông) thì tình hình không biết sẽ đến đâu. Còn nếu thu phí tự động không dừng thì đương nhiên không thể xà xẻo.

Như vậy có thể nói ngày rằng, nếu áp dụng thu phí không dừng một mặt sẽ làm cho giao thông thông thoáng, mặt khác cũng không để cho những kẻ tà tâm trục lợi. Vì thế, lẽ nào lại không làm? Còn trong trường hợp nơi nào trù trừ không chịu làm thì có nghĩa là “có vấn đề”, phải xử lý.

Bắc Phong