Tự tập luyện cũng cần đúng cách

Đức Trân 09/10/2020 09:26

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít người đã chọn cách tập luyện tại nhà, thay vì tới các trung tâm tập luyện. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nếu luyện tập sai phương pháp.

Ảnh minh họa.

Theo BS Phạm Quang Thuận, nguyên Trưởng khoa Nội xương khớp, BV Thể thao Việt Nam, duy trì tập luyện thể lực đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người có tác dụng nâng cao sức khỏe thể chất nói chung, ngăn ngừa bệnh tật tiến triển, giúp cải thiện sức khỏe trí não, tạo tâm lý thoải mái, tinh thần thư thái, sảng khoái…

Đối với những người mắc các bệnh lý mạn tính như các bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp, suy thận, rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường; những người thừa cân, béo phì… việc duy trì tập luyện thường xuyên, đều đặn có ý nghĩa hết sức quan trọng để kiểm soát bệnh và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh cũng như hạn chế tác hại của chúng.

Hoạt động tập luyện thể lực được chứng minh có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể thông qua tăng nồng độ các globulin miễn dịch như IgA, IgG, IgD… trong đó đặc biệt là IgA là kháng thể có nhiều trong các dịch tiết của cơ thể như nước bọt, dịch niêm mạc mũi, miệng, dịch ruột.

Các nghiên cứu cho thấy tập luyện thể lực đều đặn với cường độ trung bình trong thời gian từ trên 30 phút mỗi ngày, nồng độ IgA, các globulin miễn dịch khác, các tế bào lympho (NK) và các đại thực bào đều tăng đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, tập luyện sai cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Phan Vương Huy Đổng, Giảng viên Bộ môn Y học Thể thao, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhẹ hóa nặng bởi tập sai phương pháp và tập không đúng cách. Nhiều người thậm chí phải nhập viện do tổn thương quá nghiêm trọng bởi áp dụng các bài tập không phù hợp với sức khỏe cơ thể.

Đổng lý giải, phong trào luyện tập thường thiếu người dẫn dắt, cứ thấy người khác tập, mình tập giống họ, hoặc một chương trình tập áp dụng cho tất cả mọi người. Mà không biết mỗi người có một tình trạng bệnh, mỗi người có một thể trạng khác nhau.

Mặt khác, người vì muốn đạt được cân nặng mong muốn trong thời gian dài hoặc nghĩ rằng tập luyện nhiều sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh nên họ lao đầu vào những bài tập mà không biết mệt mỏi. Tuy nhiên, tập luyện quá sức lại đem đến hiệu quả ngược do nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như căng cơ, gãy xương, kiệt sức, ngất,…

Có người thì lại tập rất chăm chỉ một thời gian sau đó lại nghỉ một giai đoạn dài rồi mới quay trở lại tập tiếp. Điều này cần thật sự hạn chế bởi tập thể dục không đều đặn không những không đem lại kết quả mà còn có thể kéo theo nhiều tác hại đối với cơ thể.

Tập thể dục không đều dễ khiến cơ thể mệt mỏi, không tiêu hao được mỡ thừa. Thậm chí điều này còn khiến người tập luyện dễ bị chấn thương hơn do cơ thể đã “quên” chế độ tập luyện lần trước.

Một khía cạnh khác, nhiều người dậy rất sớm để tập thể dục nhằm mang đến một cơ thể khỏe khoắn cùng tinh thần sảng khoái để chào đón ngày mới. Tuy nhiên, nếu dậy quá sớm, nhất là những ngày trở lạnh sẽ dễ khiến cơ thể gặp lạnh đột ngột, làm cho các mạch máu co lại.

Ngược lại, nhiều người có thói quen tập thể dục vào tối muộn sau đó đi ngủ. Đây là cách tập thể dục hoàn toàn sai và còn có khả năng gây hại cho sức khỏe. Tập thể dục trước khi đi ngủ khiến thân nhiệt tăng, nhịp sinh học xáo trộn, từ đó khiến bạn khó ngủ hơn, giấc ngủ chập chờn, không sâu. Lâu ngày, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể.

Như vậy, làm thế nào để có thể tập luyện sao cho phù hợp với cơ thể bản thân?

Giảng viên Phan Vương Huy Đổng cho rằng, cách hữu hiệu nhất là phải vừa tập vừa lắng nghe xem cơ thể phản ứng thế nào. Các dấu hiệu đầu tiên lắng nghe đó chính là cảm giác đau. Thực tế cho thấy nhiều người tập xong không khoẻ mà chỉ mệt mỏi.

Những người lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên nên tập luyện thể dục thể thao vừa phải với 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Những hoạt động thể chất đơn giản tại nhà như các bài tập thở, tập yoga, tập đi bộ trong nhà, lên xuống cầu thang, nhảy dây, đạp xe tại chỗ, các bài tập thể dục toàn thân hoặc các bộ phận cơ thể, các bài tập với những dụng cụ đơn giản như tạ tay, dây chun, xà…

Hay đơn giản chỉ là thực hiện các công việc sinh hoạt cá nhân, lau nhà, làm vườn, tưới cây… hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu vận động tập luyện của mỗi người mà không đòi hỏi không gian quá rộng hay phải trang bị những phương tiện tập luyện phức tạp, đắt tiền.

Xây dựng thói quen vận động tập luyện như một nhu cầu thiết yếu. Việc tập luyện quan trọng là phải được tiến hành một cách khoa học, thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Để tránh nhàm chán, có thể kết hợp với âm nhạc hoặc tham gia các chương trình tập luyện trực tuyến.

Luyện tập phù hợp, đúng phương pháp, duy trì đều đặn, thường xuyên kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh, suy nghĩ tích cực, tinh thần lạc quan vui vẻ là những yếu tố quan trọng góp phần duy trì và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể.

Đức Trân