Hài hòa là nguồn cội của mọi sự sinh sôi

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 09/10/2020 09:00

Cần khuyến khích nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa.

PV:Đạo Mẫu dù đã trải qua hàng ngàn năm, đến nay vẫn là tín ngưỡng bản địa nổi bật trong bức tranh chung của các tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam. Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa dân gian, bà có thể lý giải thêm?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa: Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian được nhiều nơi, nhiều người thực hành, là tín ngưỡng phổ biến nhất ở Việt Nam. Mặc dù có sự biến chuyển để thích ứng với sự thay đổi của xã hội tùy từng thời kỳ, nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn giữ được những đặc tính chung, chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần. Với mục đích cầu mong sự sinh sôi, nảy nở nên những nữ thần của Việt Nam phần lớn là các bà Mẹ, các Mẫu thần. Thuở ban đầu, tôn thờ các Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước cho đến khi Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào thế kỷ XV, đã gắn chặt đời sống người dân với tín ngưỡng này mong cầu tài, cầu lộc và cầu sức khỏe…
Trong quan niệm vũ trụ luận cổ xưa của dân tộc ta, sự hài hòa bao giờ cũng là nguồn cội của mọi sự tốt đẹp, sinh sôi, an khang, thịnh vượng.

Đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã hình thành tín ngưỡng Tam phủ, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ Mẫu gần gũi với thiên nhiên, đất trời, gắn với thân phận của người phụ nữ Việt Nam. Người ta đến với Mẫu để tìm chỗ dựa về tinh thần, tìm được sự che chở của người mẹ… Tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo tồn qua lễ hội, qua niềm tin và qua đời sống tâm linh để tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân. Do đó, ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vậy theo bà, chúng ta cần ứng xử với Đạo Mẫu như thế nào để xứng tầm là Di sản của nhân loại?

- Tôi đã đi nhiều tỉnh, thành suốt dọc chiều dài đất nước và nhận thấy một điều, hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vẫn đang được thực hành ở nhiều địa phương. Các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc có; rồi các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nơi đâu cũng có thể gặp các cộng đồng dân cư thực hành tín ngưỡng này. Thậm chí ở các tỉnh miền Nam cũng có. Đặc biệt, tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu.

Không tránh khỏi có nơi có lúc tín ngưỡng thờ Mẫu đã bị xem nhẹ, thậm chí còn bị coi là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, ngay sau đó các nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định rằng, hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng dân gian, đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm như một đối trọng về mặt tâm linh với các tôn giáo bên ngoài, góp phần bảo vệ một bản sắc văn hóa dân tộc. Ở thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 này, với việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa độc đáo khó trộn lẫn. Chính điều này, chúng ta cần nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc, tránh những biến hình, biến tướng…

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thường thu hút nhiều người tham gia.

Bà vừa nói trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay, có nơi có lúc không tránh được một số hành vi biến tướng. Theo bà, từ phía các cơ quan văn hóa cần làm gì để tránh những biến tướng, thậm chí bát nháo trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu?

- Vì là một tín ngưỡng đã gắn bó lâu đời, lại có đông đảo tín đồ vì thế để tồn tại và phát triển sẽ có những thay đổi theo thời gian, theo cuộc sống hiện đại. Có những biến đổi tốt, và đâu đó còn có những biến tướng cần phải điều chỉnh bằng những thiết chế văn hóa.

Khi tham gia nghi lễ hầu Thánh - lên đồng tại một số tỉnh, thành tôi nhận thấy xuất hiện hành vi biến tướng và lệch chuẩn trong diễn xướng hầu đồng. Thậm chí, một số người còn lợi dụng nghi lễ để trục lợi, làm sai lệch giá trị đích thực truyền thống vốn có. Rất đáng lên án là hiện tượng thương mại hóa, xem bói phán truyền dọa nạt mà người dân, thường gọi là “buôn thần bán thánh”, yêu cầu con nhang đệ tử bỏ ra những khoản tiền lớn cho việc tổ chức hầu đồng gây ra lãng phí, làm sai lệch những giá trị ban đầu. Có nơi quá lạm dụng đồ mã trong các buổi hầu đồng hoặc lễ Thánh, lại có nơi việc thực hiện các nghi lễ hầu đồng không đúng với bản chất của đạo Mẫu, ví như đã xuất hiện những giá hầu Phật hoặc Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên cạnh đó nhiều người mới “ra đồng” một thời gian ngắn đã tự phong cho mình là thầy đồng. Ngoài ra, cần ngăn chặn ngay những nơi đưa nhạc không phù hợp vào hát văn…

Còn từ phía người dân thì sao, thưa bà?

-Từ phía cộng đồng cũng cần chung tay bảo tồn tín ngưỡng này, như việc khuyến khích nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tôi cho rằng, đó là những hành động tích cực để giúp cho tín ngưỡng thờ Mẫu ngày một khẳng định vị trí của mình trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Một trong những đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là sự gắn kết cộng đồng, đồng thời tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Trong số khoảng 50 vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, ngay từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa. Bà có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

- Đạo Mẫu của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn… Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số. Chính điều này tạo nên sự phong phú, đa dạng và gắn kết được nhiều cộng đồng sinh sống ở các vùng, miền. Sự phong phú ấy cũng khiến cho trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn trở nên hấp dẫn hơn. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Thu Phố (thực hiện)