Ra mắt ấn bản mới hai công trình của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Hoàng Thu Phố 10/10/2020 10:00

Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), ấn bản mới hai công trình “Hà Nội - Phong tục, Văn chương” và “Hà Nội - Cõi đất, Con người” của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (1926-2012) vừa được NXB Trẻ ra mắt bạn đọc.

Tiếp bước những nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội đi trước hay cùng thời như Hoàng Đạo Thúy, Doãn Kế Thiện, Vũ Tuân Sán, Trần Quốc Vượng… nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã rong ruổi trên mảnh đất ngàn năm văn vật để cho ra đời những công trình nghiên cứu công phu, dày dặn, trong đó không thể không nhắc tới “Hà Nội - Cõi đất, Con người” và “Hà Nội - Phong tục, Văn chương”.

Bộ sách như là một kho tư liệu, kiến thức phong phú được bồi đắp từ tâm huyết, công phu và hơn hết là tình cảm gắn bó của con người dành trọn cuộc đời cho tình yêu lớn với Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

Cuốn “Hà Nội - Phong tục, Văn chương” được tổ chức thành 2 phần lớn, giống như tên gọi: Phong tục và Văn chương.

Ở phần đầu, đi từ những lý giải mang tính dẫn luận về cơ sở phong tục - Hà Nội đặt trong ngữ cảnh phong tục - Việt Nam, tác giả đối chiếu và phân tích những đặc trưng riêng có của đất Kinh Kì. Thông qua hàng loạt dẫn chứng sinh động về các tục lệ cổ truyền: thờ đá, thờ ngựa, thờ trâu… và hệ thống tư liệu - văn bản cổ phong phú (từ hương ước làng xã cho đến những ghi chép của tác giả ngoại quốc), tác giả từng bước làm hiển lộ lớp trầm tích văn hóa sinh hoạt Kẻ Chợ như một mạch nguồn sống động.

Sang phần hai, tác giả gạn tìm những “hạt bụi vàng” trong thi ca của tao nhân mặc khách từng lưu lại chốn này, khởi từ huyền thoại đến tân thời (cả di sản văn học dân gian lẫn các tác phẩm thành văn), được thể hiện qua những chủ điểm ấn tượng: "Hồ Tây và văn học", “Thăng Long trong thơ Nguyễn Du”, "Bốn người trai Thăng Long là vua, là chiến sĩ, là nhà thơ"…, và một bài luận khảo dày dặn "Thơ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX". Cũng ở đây độc giả có thể tìm đọc bản dịch toàn bộ tập “La Thành cổ tích vịnh” trứ danh của ông nghè Trần Bá Lãm…

Bộ sách dày dặn giúp độc giả hiểu hơn về Thăng Long - Hà Nội.

Tương tự, ở cuốn “Hà Nội - Cõi đất, Con người” cũng được chia làm 2 phần.

Ở phần “Cõi đất”, tác giả gây hứng thú cho người đọc ở các bài "Hà Nội 36 phố phường", "Các cửa ô Hà Nội", "Lộ trình dời đô"… Còn ở phần về “Con người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc tập trung nghiên cứu các danh nhân cổ đại hay cận đại như Nguyễn Huy Lượng, Phạm Đình Hổ, Hà Tông Quyền, Nguyễn Tư Giản…

“Nguyễn Vinh Phúc có thể không mạnh về khoa trương, nhưng làm khảo chứng, khảo thích, khảo dị, khảo đính, bình luận, tóm lại là khảo cứu, thì cây bút của ông là đích thực”- nhà sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Hoàng Thu Phố