Dậm chân tại chỗ
Ngày 5/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký báo cáo gửi Quốc hội về lĩnh vực GTVT, trong đó có nội dung giải quyết những trạm thu phí BOT “đi lạc”. Điều ngạc nhiên là báo cáo ký tháng 10 nhưng giống báo cáo hồi tháng 5 như “đúc khuôn”.
Có một số ý kiến hài hước rằng, do đại dịch Covid-19 nên trong 5 tháng qua, Bộ GTVT chưa giải quyết xong những trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ, vì thế chẳng có gì để làm mới báo cáo cả.
Như vậy cũng tiện, các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới nếu cần có thể lôi báo cáo hồi tháng 5 của Bộ GTVT ra để xem, khỏi phải in thêm tốn giấy mực.
Liên quan đến những trạm thu phí BOT “đi lạc”, hồi tháng 5, Bộ GTVT khẳng định, nếu không được khắc phục sớm sẽ có nhiều hậu quả như: Phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư tư nhân dẫn đến tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo...
Từ hàng loạt “nguy cơ gay go” vừa dẫn ra trên, Bộ GTVT đề xuất dùng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Nói nôm na là nếu muốn dẹp những trạm thu phí BOT “đi lạc” do lỗi của Bộ GTVT hoặc UBND các tỉnh, thành phố, thì Chính phủ phải lấy tiền thuế của dân ra để “mua lại” dự án.
Diễn giải tường tận ra nghĩa là: Ở một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông, chủ đầu tư làm đường A xong, ngoài việc thu phí đường này, họ còn nhận được cái “gật đầu” của cơ quan có thẩm quyền để dựng trạm thu phí ở đoạn đường B, chẳng liên quan gì đến dự án.
Mục đích: Giúp chủ đầu tư thu hồi vốn cho nhanh, không sẽ khiến họ phật lòng. Và vì vậy, nếu muốn người dân không mất phí oan, phải lấy tiền ngân sách ra đập vào.
Dư luận xã hội đặt vấn đề: Vì sao Bộ GTVT lại “khôn” thế? Vì sao người dân lại phải chấp nhận đóng thuế, phí để sửa sai cho một số cơ quan quản lý nhà nước?
Làm gì có chuyện đưa ra hai giả thiết mà phần thiệt đều thuộc về người dân: Hoặc là đóng phí cầu đường khi không đi đoạn đường xã hội hóa, hoặc lấy tiền thuế của dân ra để thanh toán?
Câu chuyện về các trạm thu phí BOT “đi lạc” đã “lình xình” nhiều năm qua, song Bộ GTVT với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này lại không hề đưa ra được bất cứ biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết, mà chỉ nhăm nhăm yêu cầu Chính phủ xuất vốn.
Tại sao lúc kêu gọi xã hội hóa, các cơ quan chức năng không tính đến phương án xấu nhất?
Trước khi phê duyệt bất cứ dự án nào cũng đều có bước khảo sát tiền khả thi. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án không lường được rằng, nếu đầu tư xây dựng, nâng cấp đoạn đường A rồi thu phí trên đoạn đường đó, liệu có thu hồi được vốn hay không, mà cứ nhắm mắt phê duyệt để rồi lại đặt thêm trạm thu phí ở đoạn đường B?
Một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, liệu có hay không lợi ích nhóm trong các dự án BOT đường giao thông.
Nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở, khi mà một số người có trách nhiệm, một số cơ quan có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư đặt những trạm thu phí BOT trên những đoạn đường ngoài dự án.
Nghi ngờ trên càng có cơ sở, khi mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm năm thu phí khống ở nhiều dự án BOT giao thông.
Nếu không có kiểm toán, thanh tra, số tiền rất lớn thất thoát đó ai sẽ là người hưởng lợi? Chắc chắn sẽ không chỉ có chủ đầu tư dự án đút túi cả vài chục năm tiền phí cầu đường rồi.
Cũng từ sự bất cập của các trạm thu phí BOT mà thời gian qua, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những điểm nóng về an ninh trật tự. Người dân đâu có dễ đến mức cứ rút tiền ra trả phí cho đoạn đường đã có hàng vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm trước?
Đó là lý do mà họ phản ứng đối với các trạm BOT “đi lạc”.
Tiếc rằng, nhiều năm trôi qua, Bộ GTVT không hề tham mưu được cho Chính phủ biện pháp nào để tháo gỡ những điểm gút quan trọng trong câu chuyện BOT giao thông. Vì thế, cũng dễ dàng lý giải vì sao suốt từ tháng 5 tới giờ, Bộ GTVT chẳng cần sửa chữ nào trong báo cáo gửi Quốc hội vẫn không hề bị “lạc hậu”.
Thời gian được tính bằng năm mà còn chẳng giải quyết được gì, vậy thì trong 5 tháng qua, việc dậm chân tại chỗ cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, lại có lý do hết sức “chính đáng”, đó là làn sóng Covid-19 lần thứ 2 hoành hành khiến mọi ngành, mọi lĩnh vực đều đình trệ, kinh tế suy giảm.
Đó là còn chưa kể Bộ GTVT còn “trăm công, nghìn việc” khác cần giải quyết gấp hơn.
Song, nói gì thì nói, việc báo cáo tháng 10 là “sao y bản chính” của báo cáo tháng 5 không chỉ cho thấy lối làm việc chiếu lệ, mà còn tỏ ra coi thường người đọc là các đại biểu Quốc hội.
Dù chưa làm được gì để giải quyết, chí ít Bộ GTVT cũng phải báo cáo cụ thể nguyên nhân và đưa ra giải pháp để Quốc hội xem xét, chứ không phải là copy and paste báo cáo sau nửa năm trời.