Giữ chân nhà đầu tư ngoại cách nào?

Minh Phương 10/10/2020 09:04

Có tình trạng người lao động vẫn “nhảy việc” sang DN khác mà không có chế tài hay quy định nào bắt buộc họ không được phép làm điều này. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc “than thở” điều này và cho rằng, tình trạng này cần phải được chấm dứt nếu Việt Nam muốn tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư ngoại.

Các DN FDI lo sợ tình trạng “chảy máu”nguồn nhân lực.

Không phủ nhận, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, song theo chia sẻ của một DN Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại, ở Việt Nam có tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực khiến cho không ít nhà đầu tư ngoại cảm thấy nản lòng khi bước chân vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nói rõ hơn về vấn đề này, vị chủ DN này cho biết, lâu nay, khi triển khai dây chuyền sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, có tình trạng công nhân trong một DN sau khi đã được đào tạo thuần thục để đứng trong chuỗi dây chuyền sản xuất, nhưng họ sẵn sàng bỏ việc để “nhảy” qua DN khác hoạt động trong cùng lĩnh vực khiến quá trình sản xuất của nhiều DN FDI gặp nhiều khó khăn.

“Các DN FDI mất nhiều công sức tuyển dụng và đào tạo lao động để phục vụ lợi ích của DN, nhưng người lao động vẫn có quyền bỏ việc để đến các DN khác mà không có chế tài hay quy định nào bắt buộc họ không được phép làm điều này”, vị này “than thở” và nêu lên đề xuất, cần có sự chỉnh sửa Bộ luật Lao động của Việt Nam để hạn chế tình trạng này, bởi nếu không sẽ tạo tâm lý nản lòng cho các DN FDI khi bước chân vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Gần 30 năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong “top” các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về các số lượng dân và tổng số vốn đầu tư trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đến thời điểm này có khoảng 8.900 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động và đóng góp khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.

Theo chia sẻ của các DN Hàn Quốc, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, trong đó có các DN Hàn Quốc.

Là DN cung cấp linh kiện cho Samsung Việt Nam, ông Cho Chang Hyun rất mong muốn các DN Việt Nam cũng sẽ cùng tham gia với DN trong lĩnh vực này để nâng cao tăng trưởng cũng như quy mô thị trường.

Điều này cũng hướng tới việc hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong lĩnh vực sản xuất điện thoại của Việt Nam, khi có sự tham gia và hợp tác hiệu quả lâu dài của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, đây là thời cơ để Việt Nam gia tăng thu hút nguồn vốn ngoại.

Song, theo ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội, trong quá trình dịch chuyển này, nhà quản lý Việt Nam cần cảnh giác với thị trường Ấn Độ, bởi đây cũng đang là đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” trong thu hút đầu tư.

“Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan ban, ngành cần đưa ra những chính sách hỗ trợ mới cho DN đầu tư, từ đó đón trọn được làn sóng này cũng như loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh khác”, ông Lee Jong Seob nói.

Nhiều DN Hàn Quốc cho biết, các DN FDI mất nhiều công sức tuyển dụng và đào tạo lao động để phục vụ lợi ích của DN, nhưng người lao động vẫn có quyền bỏ việc để đến các DN khác mà không có chế tài hay quy định nào bắt buộc họ không được phép làm điều này.

Minh Phương