Cảnh giác với những chiêu mời vay tiền
“Làm thẻ tín dụng bao hồ sơ”, “chuyển khoản phí vào tài khoản để nhận thẻ”… đầy rẫy những lời lẽ mời mọc vay tiền ngân hàng tràn lan lên mạng xã hội. Nhiều người vì cả tin mà dính bẫy, mất cả tiền và giấy tờ.
Giả nhân viên ngân hàng, mời chào vay vốn
“Mình bên ngân hàng, cho vay lãi suất thấp bao hồ sơ. Nếu đủ hồ sơ không phí trước sau, nếu không đủ hỗ trợ làm giả để phù hợp vay. Chỉ cần trả vài trăm cho người làm giả trước nhé. Nếu cần tìm hiểu liên hệ trang cá nhân của mình. Chủ một trang cá nhân có lên Lưu Nhữ Phong tự quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là những cá nhân môi giới tới các đường dây cho vay nặng lãi trên mạng. Thẳng thắn hơn, đó là các cò mồi lừa đảo người nào có nhu cầu vay tiền gấp.
Anh bạn tôi nhắn tin hỏi: “Mình làm thẻ tín dụng bao hồ sơ mà bên làm hẹn 10 -14 ngày mới ra thẻ. Có khi nào thẻ đứng tên mình mà người khác vay tiền không vậy? Mình đã trót đưa căn cước công dân cho bên làm thẻ. Như thế là bị lừa đúng không?”
Khi hỏi tại sao anh bạn lại đưa thẻ căn cước công dân, anh trả lời, vì bên đó nói, đưa căn cước công dân để họ mua hợp đồng lao động. Mình tin nên đưa giấy tờ gốc cho họ.
Trường hợp anh bạn tôi chỉ là một dẫn chứng, còn rất nhiều người khác vì muốn vay tiền nóng nên đã tìm đến các địa chỉ hứa hẹn cho vay“ bao hồ sơ”. Kết cục, tiền không vay được mà còn bị mất giấy tờ, mất cả tiền “ứng trước” để làm hồ sơ.
Bà Hoàng Thị Th. (Hải Phòng) cho biết, đầu tháng 10/2020, thấy một quảng cáo trên mạng cho vay tiền, bà liên hệ với số điện thoại 0973928708 để được tư vấn vay vốn. Người nhận điện thoại tự nhận là nhân viên tín dụng của Ngân hàng Techcombank, mời chào bà Th. vay 100 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, trả lãi mỗi tháng là hơn 3,9 triệu đồng. Thấy lãi suất hợp lý, thủ tục vay đơn giản, tất cả chỉ phải tiến hành qua điện thoại, bà Th. đồng ý ngay.
Ngay sau đó, bà nhận được một tin nhắn thông báo hồ sơ đã được giải ngân và yêu cầu bà phải đóng phí hồ sơ, phí bảo hiểm cộng với 1 tháng tiền lãi trước để ngân hàng hoàn tất thủ tục giải ngân. Tin lời người này, bà Th. chuyển khoản tiền phí, bảo hiểm gần 20 triệu đồng cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, bà không thể liên lạc được với số điện thoại trên.
Liên hệ với địa chỉ ghi trên hợp đồng được đối tượng gửi vào tin nhắn zalo trước đó, bà Th. phát hiện ra đây là địa chỉ và số điện thoại “ma”. Ngay cả tên ngân hàng viết trong hợp đồng cũng bị viết sai thành Ngân hàng TMCF Techcombank.
Nhiều trường hợp khác lừa đảo còn tinh vi hơn, cho gửi cả thẻ nhựa với dòng chữ “khách hàng thân thiết” nhưng chẳng có địa chỉ, chẳng có thông tin gì về cho người cần vay tiền.
“Em vay tiền bằng thẻ tín dụng. Em cũng có nhận được thẻ nhưng không thể liên hệ được với nhân viên hỗ trợ. Trước khi nhận thẻ em đã chuyển khoản phí 280.000 nghìn vào tài khoản cho người tên Thắng”, anh Lương Ngọc Dũng (Nam Định) kể.
Không chỉ dừng lại ở mời chào qua mạng, các cò mồi lừa đảo còn trực tiếp liên hệ với người vay. Anh Dũng, một nhân viên bán hàng kể, có thuê bao điện thoại 002862856240 gọi đến số điện thoại của mình, nói mình có thể vay được 50 triệu đồng với điều kiện đóng phí 1,5 triệu qua bưu điện. Mình biết là mấy trò lừa đảo nên dập máy luôn.
Cẩn trọng!
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng lợi dụng uy tín của Ngân hàng nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, thủ đoạn lừa đảo của bọn chúng như sau: Các cò mồi sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho “con mồi” để chứng minh họ đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên, kèm tiền phí và bảo hiểm vào một số tài khoản những người này cung cấp. Cuối cùng là chặn toàn bộ liên lạc với người bị hại sau khi đã nhận tiền.
Đáng nói, tình trạng giả mạo cán bộ ngân hàng lừa đảo bùng lên rất mạnh vài năm nay, nhưng số trường hợp bị phát hiện, bắt giữ và xử lý rất ít.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng không thể giải quyết hết tất cả nhu cầu của những người cần nguồn tiền vay ngắn hạn, đặc biệt với những khoản vay nhỏ không có tài sản thế chấp. Vì vậy, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khi đọc thấy thông tin cho vay không phải làm hồ sơ đã vội tìm đến. Đặc biệt trong bối cảnh thu nhập bị giảm do dịch Covid-19, nhiều cá nhân nhận được điện thoại mời vay tiền đã vội vàng làm theo mà không biết rằng, mình đang bị lừa.
Trong cảnh báo của mình, Techcombank khẳng định ngân hàng không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay, đây là quảng cáo giả mạo. Quy trình vay vốn luôn được ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng để được giải ngân theo quy định.