Bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội: Cộng đồng là yếu tố then chốt
Phố cổ Hà Nội mang nhiều giá trị văn hóa. Nhưng giải pháp nào để bảo tồn di sản văn hóa phố cổ Hà Nội? Câu hỏi này day dứt biết bao năm qua.
Di sản phố cổ Hà Nội là tổng hòa giữa những kiến trúc nhà ở, các công trình tôn giáo, nghề cổ, nếp sống người Hà Nội, các tập tục, phố nghề...
Nhận thấy được giá trị mọi mặt mà phố cổ mang lại, TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã có những biện pháp khai thác, phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội bằng nhiều biện pháp như: tu bổ di tích, khôi phục lễ hội, hỗ trợ tu bổ, chỉnh trang một số tuyến phố… Tuy nhiên việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại phố cổ Hà Nội còn nhiều thách thức. Điều này cũng đã được đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội chia sẻ.
Bàn về biện pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội, PGS. TS. KTS Nguyễn Trúc Anh- Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất những giải pháp để tạo nên sự hấp dẫn của khu phố cổ trong tương lai. Bên cạnh tầm quan trọng của quy hoạch kiến trúc, PGS. TS. KTS Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh vai trò và lợi ích của người dân sống trong khu phố cổ. Bởi, muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sinh sống trong khu vực là hết sức quan trọng. Ông cho rằng, để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống thì không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ.
Nếu người dân, những người đang sinh sống trên các con phố cổ, những chủ nhân đích thực của ngôi nhà họ muốn bảo vệ và có ý thức bảo vệ những giá trị truyền thống phố cổ thì đó là cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất.
Nói về quy hoạch, KTS Nguyễn Trúc Anh cho biết: “Sở Quy hoạch Kiến trúc đang trình quy hoạch phân khu, riêng quận Hoàn Kiếm có 3 phân khu gồm phố cổ, phố cũ, hồ Gươm. Đây là những không gian đặc biệt quan trọng đã được nghiên cứu rất công phu. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình quy hoạch không gian ngầm của đô thị trung tâm trong đó nhấn mạnh 4 quận nội thành”.
Nhân dịp Hà Nội kỷ niệm chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 16 năm khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, với góc nhìn của một chuyên gia về quy hoạch phát triển đô thị, KTS. Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra nhận định vị thế, vai trò khu phố cổ: “Những năm gần đây, phố cổ đã làm rạng lên vị thế của mình về tổ chức, kinh doanh, văn hóa… tất cả những điều đó đã đi vào ký ức của những người đến Hà Nội trong những năm gần đây. Điều đó nói lên văn hóa, lịch sử văn hiến của chúng ta”.
Ông cũng đề xuất TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu gắn kết Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, chú ý đến các yếu tố thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa lịch sử gắn liền với nội thành Hà Nội.
Có thể thấy, những năm qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ được chú trọng thông qua việc khôi phục các lễ hội truyền thống. Các hoạt động bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia.
Nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hoá và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách quận để tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội. Gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc phố cổ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội trong bất cứ thời điểm, giai đoạn nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định chính. Bởi, chỉ khi người dân, nhất là những người sinh sống trong khu phố cổ được gắn liền quyền lợi họ sẽ tự có ý thức bảo vệ những di sản quý mà chính người ta đang được hưởng lợi. Để cộng đồng cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ thì chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UBND quận Hoàn Kiếm cần phải nâng cao vai trò của cấp quản lý, cần mạnh tay chấn chỉnh một số họat động có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch, cảnh quan không gian phố cổ đã diễn ra trong thời gian vừa qua.