Ngân hàng giảm lãi suất điều hành: Doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao
Hơn 1 tuần, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước cắt giảm một loạt lãi suất điều hành, đưa trần lãi suất huy động ngắn hạn về dưới mốc 4% để từ đó tạo lực giảm lãi suất cho vay thị trường ngân hàng đã có những phản ứng gì?
Theo ghi nhận, các hiệu ứng tức thời chưa nhiều, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao.
Mức độ giảm không nhiều
Như vậy, tính từ thời điểm đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức 4 lần đưa ra điều hành về lãi suất. Tuy nhiên, khác với các lần trước, lần này các ngân hàng thương mại (NHTM) phản ứng chậm rãi hơn khi đưa biểu lãi suất mới với mức lãi suất áp dụng giảm từ 0,05 - 0,4 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn.
Chẳng hạn tại Sacombank, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng trước, xuống mức 3,7% - 4,0%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, dao động từ 5,6% - 5,9%/năm.
Tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,55%/năm; 2 tháng là 3,75%/năm và từ 3 tháng đến 5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa 0,6 điểm phần trăm so với trước.
Dưới sự tổng kết của Fiin Group - một tổ chức chuyên về dữ liệu tài chính - lãi suất huy động có chung xu hướng giảm. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,125%; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm 0,163%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,14%.
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh sụt giảm mạnh nhất khi mất đi 0,225%. Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn có mức giảm lần lượt là 0,08 và 0,19%.
Nhưng tại sao lần này các NHTM lại cắt giảm lãi suất cho vay nhẹ như vậy? Vì trên thực tế, lãi suất huy động của các NHTM trên thị trường tại các kỳ hạn dưới 6 tháng hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành.
Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng thương mại giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp.
Nhìn chung, lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3,0 – 3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ ở mức 2,2 – 2,5%/năm, tức là đã thấp hơn mức trần mới. Bởi vậy, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tựu trung lại, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm” - BVSC nhận định. Đồng thời nhấn mạnh: “Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế”.
Lãi suất cho vay vẫn cao
Theo quy luật, lãi suất huy động giảm sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm, giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí kinh doanh. Nhưng nhiều khi, thị trường chẳng vận động theo quy luật nào.
Hiện nay mức giảm lãi suất cho vay chỉ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, còn lại những lĩnh vực khác vẫn ở mức khá cao. Nhiều DN phản ánh lãi suất cho vay trên thị trường với các khoản vay trung, dài hạn vẫn duy trì từ 8,5% - 11%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này. Có thể dẫn chứng như tại Techcombank, lãi suất cho vay cố định trong năm đầu là 8,79%/năm, sau ưu đãi sẽ là 11,5%/năm.
Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Hoàng Hà cho biết, dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, một số nước trên thế giới đã mở cửa giao thương. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa còn tồn đọng, nhằm thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng.
“Với mức lãi vay kỳ hạn dài từ 9 - 11%/năm là khá cao, nên công ty sẽ không vay mới, mà tập trung giải quyết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu”, ông Biên nói.
Còn dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng hiệu quả của đợt giảm lãi suất lần này với tăng trưởng không nhiều. Đáng chú ý, vị chuyên gia này lo ngại việc cắt giảm lãi suất tiềm ẩn rủi ro như khiến lạm phát tăng. Bên cạnh đó, lãi suất giảm xuống mức thấp có thể khiến hình thành một dòng tiền chảy khỏi ngân hàng, rót vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản… từ đó hình thành bong bóng tài sản.
Tiến thoái lưỡng nan
Điều đáng chú ý nữa là các tổ chức tín dụng đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi tín dụng tăng trưởng thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng và có nguy cơ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP HCM kiến nghị, ngân hàng cần kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ cho DN. Các dự báo cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong 6 - 12 tháng, sau đó DN mới có khả năng phục hồi, trong khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định chỉ giãn nợ trong 12 tháng.
Lãnh đạo nhiều NHTM cũng nhận định, khó khăn do dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, có thể tới hết năm 2021. Chính vì vậy, việc kéo dài thời hạn giãn - hoãn nợ, miễn - giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ (sửa Thông 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ) là rất cần thiết.
Về dài hạn, theo TS Cấn Văn Lực, bên cạnh hỗ trợ về lãi suất, nền kinh tế cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố khác. Ví dụ như đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân và FDI, cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội để kích cầu tiêu dùng từ người dân và tăng sức cầu vốn cho DN.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng từng khẳng định, sẽ điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, nếu các tổ chức tín dụng có nhu cầu nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ để cho DN, người dân vay. NHNN cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính của mình, tiết kiệm chi phí, kể cả lương thưởng, trả cổ tức tiền mặt, để có nguồn vốn rẻ hỗ trợ khách vay.
Được biết, thời gian qua, NHNN đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức NHNN đã phê duyệt đầu năm. Sắp tới, tổ chức tín dụng nào có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần vừa tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, DN, nhưng vẫn phải theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chất lượng tài sản sẽ xấu đi. Cụ thể, nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Cùng với đó lợi nhuận cũng sẽ giảm. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20-25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc… Về dài hạn, theo ông Lực, bên cạnh hỗ trợ về lãi suất, nền kinh tế cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố khác. Ví dụ như đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân và FDI, cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội để kích cầu tiêu dùng từ người dân và tăng sức cầu vốn cho DN.