Loay hoay với giao thông tĩnh
Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, nhà đầu tư không mặn mà với các dự án bãi đỗ xe ngầm, trong khi các giải pháp đỗ xe thông minh đã phải tạm dừng vì không giúp được nhiều để giải bài toán thiếu chỗ đỗ xe. Vậy đâu là lời giải cho giao thông tĩnh Hà Nội?
Khó như tìm chỗ đỗ xe
Chỉ cần dạo vài vòng qua các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội sẽ thấy một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay là người ta tận dụng mọi chỗ để đỗ xe. Từ các bãi đỗ xe được cấp phép đến tự phát, hầu như không còn chỗ trống. Tại một vài tuyến phố như Triệu Quốc Đạt, Phũ Doãn, Tràng Thi, Bà Triệu, chùa Láng,…, nơi tập trung một số bệnh viện, trường đại học lớn, rất khó khăn để mong tìm được chỗ đỗ xe.
Không chỉ không gian công cộng mà ngay cả các chung cư, trung tâm thương mại, việc không tính toán hợp lý giữa cư dân, khách hàng và diện tích hầm đỗ xe khiến nhiều thời điểm tại các nơi tưởng chừng như “nhà mình” này cũng đỏ mắt mới tìm được một vị trí để xe.
Không chỉ chung cư “quên” hoặc thiếu chỗ đỗ xe, ngay cả những khu công sở mới mọc lên cũng bí bách vì không có chỗ đỗ xe, khu liên cơ Võ Chí Công, nơi tập chung 8 sở ngành Hà Nội dù mới được sử dụng và mới đi vào vận hành cũng thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng. Cụ thể, đây là nơi làm việc của 8 sở ngành với hơn 1.500 cán bộ, nhân viên với 3 tòa nhà cao từ 7 đến 27 tầng, nhưng chỉ có 1 tầng hầm đỗ xe chứa được 40 ô tô và 800 xe máy. Cán bộ làm việc trong tòa nhà còn loay hoay tìm chỗ đỗ xe tất nhiên người dân đến giao dịch mong gì “xí” được mỗi chỗ đỗ xe đây, đó là lý do các bãi xe tự phát với giá “trên trời” mọc lên nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của người gửi xe. Thiếu chỗ đỗ xe, các phương tiện cứ thế chạy vòng vòng hoặc đỗ tràn lan ra mọi ngóc ngách phố phường góp phần làm giao thông thủ đô đã tắc lại càng thêm tắc.
Bãi đỗ xe ngầm giẫm chân tại chỗ
Hiện diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Trong khi tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ôtô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Vậy đâu là giải pháp để tăng quỹ đất cho giao thông tĩnh?
Lời giải chính là tận dụng không gian ngầm làm bãi đỗ xe, nhưng thử xem những bãi đỗ xe ngầm ấy đã và đang được triển khai thế nào? Qua tìm hiểu phóng viên được biết, từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự tính xây dựng bãi đỗ xe ngầm đã được đặt ra từ nhiều năm như dự án đề xuất bãi đỗ xe ngầm ở vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa… Tuy nhiên, hiện nay các dự án này vẫn án binh bất động.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm (đáp ứng chỗ đỗ cho gần 900 xe) tại Công viên Cầu Giấy, với tổng mức đầu tư khoảng 565 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi xe ngầm khoảng 14.500m2. Bãi đỗ xe có quy mô 3 tầng hầm, trong đó tầng 2-3 làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, dự án lại không thể triển khai vì chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Cuối tuần qua, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản 8615/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo văn bản này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc dừng nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận nêu trên. Việc dừng triển khai đồ án quy hoạch là do đã nghiên cứu, lồng ghép vị trí, quy mô bãi đỗ xe ngầm địa bàn 4 quận trên trong các đồ án quy hoạch phân khu khu vực 4 quận nội đô gồm: H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3, H1-4; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố. Như vậy, việc triển khai các bãi đỗ xe ngầm tạm thời được gác lại.
iParking cũng bó tay
Chưa tìm ra lời giải cho giao thông tĩnh bằng giải pháp mang tính dài hơi và có phần tốn kém, cách đây 2 năm, Hà Nội đã thí điểm một giải pháp khá tiện ích đó là mô hình trông giữ xe qua điện thoại thông minh iParking. Nhưng kể từ đầu tháng 9 vừa qua thành phố Hà Nội đã quyết định tạm dừng thí điểm loại hình trông giữ xe được cho là thông minh này.
Việc dừng thí điểm này là để chuyển sang áp dụng hình thức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường theo mét vuông, bắt đầu từ ngày 1/9 đến hết năm 2020 hoặc cho đến khi Dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (iParking) phục vụ tìm kiếm, thanh toán giá dịch vụ trông giữ phương tiện và hỗ trợ công tác quản lý, khai thác các điểm đỗ xe được cấp phép trên địa bàn thành phố theo hình thức đối tác công tư - Hợp đồng BOO được thành phố phê duyệt để làm cơ sở triển khai chính thức.
Dự án trông giữ xe qua điện thoại thông minh iParking được thành phố Hà Nội triển khai thí điểm vào giữa năm 2017, bắt đầu tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, sau một thời gian, các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá mô hình thí điểm bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Qua kiểm tra, rà soát Dự án iParking cho thấy các đơn vị trông giữ xe vẫn chưa trang bị các thiết bị để kiểm soát, theo dõi, kiểm tra phương tiện người gửi, quản lý điểm đỗ...
Hệ thống chưa thực hiện trích nộp phí trực tiếp về tài khoản tại Kho bạc Nhà nước của đơn vị cấp phép. Các đơn vị trông giữ xe còn chậm thanh toán tiền hợp đồng vào hệ thống. Một số đơn vị không bảo đảm đủ tiền trong tài khoản thanh toán hộ dẫn tới trường hợp bị lỗi thanh toán do thẻ hết tiền. Nhiều trường hợp trật tự viên cố tình không nhập hoặc nhập không đủ số phương tiện đang đỗ, gửi trong điểm đỗ lên hệ thống iParking. Do đó, số liệu doanh thu ghi nhận qua hệ thống chưa phản ánh đúng thực trạng tại điểm đỗ.
Đâu là lời giải?
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý không gian ngầm đô thị và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm để phát triển đô thị theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này nếu muốn khắc phục bài toán khan hiếm không gian ngầm của Hà Nội, thành phố cần khắc phục sự chưa quyết liệt trong việc xây dựng chính sách, kinh phí đầu tư và công tác thanh, kiểm tra giám sát tiến hành thường xuyên, khách quan, minh bạch.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm giải “bài toán” giao thông tĩnh, thành phố đang nghiên cứu, ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng bãi đỗ xe thông minh, đỗ xe ngầm. Cụ thể, xem xét cho phép các nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm được lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích khi đầu tư xây dựng, nhưng bảo đảm không thay đổi chức năng, cũng như công suất đỗ xe. Đặc biệt, sẽ xem xét cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong. Xung quanh các khu vực đã được đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch, trong phạm vi bán kính khoảng 500 m, không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn.
Để giải bài toán giao thông tĩnh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm là một xu thế rất cần cho Hà Nội hiện nay. Vấn đề này cũng đã được định hướng trong các quy hoạch chung. “Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nên nghiên cứu kỹ lưỡng, có thêm cơ chế chính sách đặc thù, chuyển các định hướng thành giải pháp cụ thể, không nên dừng các dự án bãi xe ngầm”, ông Nghiêm đề xuất.