‘Học nghề’ từ tiểu học
Học sinh tiểu học sẽ được giáo dục, định hướng nghề nghiệp từ nhỏ nghe có vẻ là mông lung, nhưng thông tin này lại được rất nhiều phụ huynh quan tâm, đón nhận.
Theo Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 11/11/2020, học sinh tiểu học sẽ được hướng nghiệp, giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.
Theo Dự thảo, ở cấp tiểu học, nhà trường, giáo viên có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Cùng đó, hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Quản lý bản thân; xã hội; tìm hiểu về gia đình, cộng đồng. Từ đó, phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển. Hình thức triển khai hướng nghiệp ở cấp tiểu học có thể tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục cấp tiểu học. Hoặc tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp…
Học sinh tiểu học sẽ được giáo dục, định hướng nghề nghiệp từ nhỏ nghe có vẻ là mông lung, nhưng thông tin này lại được rất nhiều phụ huynh quan tâm, đón nhận. Con tôi, năm nay mới học lớp mẫu giáo cũng đã biết thích làm cảnh sát, làm lính cứu hỏa… Dẫu sự yêu thích của các em là cảm tính nhưng có thể thấy các em đã biết đó là một nghề. Với trẻ tiểu học, được làm quen với các ngành nghề, phát triển năng khiếu cùng sở thích, nếu làm tốt, có thể lại là một hướng đi hay.
Theo ghi nhận, hiện nay chương trình học của học sinh tiểu học cũng được lồng ghép nhiều các tiết học kỹ năng sống, giới thiệu về các ngành nghề… Trên lớp, học sinh được xem nhiều hơn các đoạn video về các ngành, nghề khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh đều có hoạt động tham quan, trải nghiệm ở thành phố hướng nghiệp, nông trại… Nếu như trước đây, mơ ước của các em thường “đóng khung” là lớn lên sẽ trở thành phi công, chú bộ đội, bác sĩ, lính cứu hỏa… Thì nay các em đã mở rộng ước mơ của mình hơn như trở thành ca sĩ, cầu thủ bóng đá, diễn viên hoặc những ngành nghề mà các em ấn tượng.
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam) chia sẻ: Tôi ủng hộ giáo dục, định hướng nghề từ sớm cho học sinh tiểu học, thậm chí cấp học mầm non. Từ những hoạt động đơn giản như giới thiệu về các nghề, công việc mang tính gần gũi để các em dần dần nhận biết được ngành nghề trong tương lai.
“Định hướng nghề nghiệp là qua mỗi bài học, các em có thể thấy được bố mẹ, người thân của mình đang làm nghề gì, công việc đó ra sao. Để hiệu quả, cũng cần trang bị thêm các kiến thức cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cũng như thiết kế các bài học sinh động, hình thức trải nghiệm phù hợp với học sinh”, ông Khuyến nói.