Kiếm tiền, nhiều họa sĩ chao đảo
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là con gái của nhà văn Kim Lân. ở tuổi 74, bằng sự quan sát của mình, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện giờ đang chững lại, tranh không bán ào ạt như trước nữa vì khách cũng không mua những tác phẩm thương mại, vội vàng.
PV: Thưa họa sĩ, bà bước chân vào hội họa như thế nào?
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Cha tôi - nhà văn Kim Lân - chính là người thầy đầu tiên đã đưa tôi vào con đường nghệ thuật, ông đã đưa tôi đến học các bác Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Sỹ Ngọc… Ông là người đã chỉ cho tôi biết con đường nghệ thuật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng tràn đầy niềm đam mê tự hào trong sáng tạo và lao động nghệ thuật - con đường dũng cảm để đi tìm chính mình, để cống hiến cái riêng của mình trong cái chung.
Có ý kiến cho rằng, ở thời điểm này, thị trường mỹ thuật Việt không còn xôn xao như giai đoạn sau Đổi mới nữa và có dấu hiệu chững lại. Ý kiến của họa sĩ thì sao?
- Tôi sống qua nhiều giai đoạn thăng trầm, được nhìn thấy các bậc họa sĩ tài danh phải gian khó vô cùng để đi qua giai đoạn thăng trầm đó. Đến bây giờ nhìn lại, lớp họa sĩ trẻ được tự do tìm tòi sáng tạo, được triển lãm, được mang tranh của mình đi triển lãm khắp nơi trên thế giới.
Các nghệ sĩ Việt được mở cửa, làn gió nghệ thuật các nơi ùa vào, sáng tác tự do hơn, có nhiều tiền hơn. Đó cũng là một sự thay đổi lớn lao. Nhưng cái gì cũng thế, trong luồng gió này cũng có sự phân loại dần, có nhiều họa sĩ tài năng chao đảo vì chạy theo thương mại, chiều ý khách hàng, bán tranh để kiếm tiền, sự tìm tòi sáng tạo đã chạy theo thị hiếu, tranh giả tràn lan.
Sự chao đảo đã kéo dài một thời gian, giờ cũng dần chững lại, các họa sĩ có sự bình tĩnh hơn, không quá chạy theo ý khách để bán lấy tiền nữa. Đấy có lẽ là tín hiệu đáng mừng. Tranh không bán ào ạt như trước nữa vì khách cũng chững lại không mua những tác phẩm thương mại, vội vàng. Và các họa sĩ cũng bình tĩnh hơn. Tôi nghĩ quy luật tất yếu phải như vậy.
Có điều sự quan tâm nghệ thuật của Nhà nước chưa được tốt lắm, gần như các họa sĩ đều tự thân vận động, vẽ gửi gallery tư nhân bán tranh, tự giao dịch đi nước ngoài triển lãm, những tranh mang tính chất dấu ấn của các họa sĩ qua các thời kỳ gần như thất thoát ra nước ngoài hết.
Vậy đâu là những tín hiệu đáng mừng, đâu là điều đáng ngại, thưa bà?
- Sau một thời kỳ bùng phát các gallery tràn lan bán tranh và chạy theo thị hiếu, chiều khách hàng, sự sáng tạo rập khuôn - khách hàng đã chững lại để bình tĩnh xem xét, các cuộc mua bán tranh chậm lại, các gallery đóng cửa hàng loạt, các họa sĩ cũng dần suy ngẫm sâu lắng hơn để xem và tìm lại chính mình. Tôi nghĩ hội họa Việt sẽ đến một thời kỳ phải như vậy. Tôi cho đó là điều tất yếu phải đến.
Chúng ta có nhiều họa sĩ tài năng. Tôi nghĩ, Nhà nước và những nhà sưu tập nên dành sự quan tâm để có thể lưu giữ lại cho đất nước những tác phẩm giá trị mang tiếng nói, sự đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc, không để lọt gần hết những tác phẩm giá trị một thời của các danh họa Việt Nam ra nước ngoài nữa.
Bây giờ, nhìn lại con đường hội họa của mình, theo bà, đâu là chặng đường khó khăn nhất và đâu là giai đoạn bà cảm thấy thăng hoa, sung sức nhất?
- Khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật, tôi học giỏi nhưng không được ưu tiên như các bạn học cùng, bởi ngoài học ở trường tôi còn được cha tôi cho theo học các bác Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… Lúc này, nhà trường không ủng hộ điều đó, vì thế dù học giỏi, dù ngoan, riêng một mình tôi không được vào Đoàn và bị phân công công tác về một huyện đi làm không có lương.
Mỗi cuộc triển lãm tôi đều vẽ tranh mới để tham dự, nhưng có những lúc tôi đã bị phê bình vì vẽ không theo sự giảng dạy của nhà trường. Chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để tôi vượt qua mọi bất công, khó khăn lúc đó là cha tôi, là những nhận định sáng suốt của các bác Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao… về quan điểm nghệ thuật – và trên hết là lòng yêu nghề, quyết tâm của tôi để vượt qua mọi thử thách trong thời kỳ đất nước còn chưa mở cửa. Để trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt, các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái nhất định ký đơn cho tôi vào Hội Mỹ thuật thời đó. Nghĩ lại bây giờ tôi thật vinh dự, có hẳn tứ trụ trong nền hội họa Việt quan tâm, ủng hộ mình.
Những khó khăn tôi gặp phải đã hun đúc cho tôi lòng quyết tâm, vượt qua tất cả. Tôi vẫn kiên trì, nghị lực say mê sáng tác không ngừng. Đây là thời kỳ khó khăn nhưng càng khó khăn tôi càng quyết tâm, say mê sáng tạo…
Mải miết với con đường nghệ thuật của mình nhưng vẫn thấy họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tham gia vẽ minh họa cho một vài tờ báo. Việc này có làm ảnh hưởng, hay chi phối gì tới công việc chính không, thưa bà?
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật, ra trường, tôi nhận vẽ minh họa cho rất nhiều sách báo và tạp chí, nhiều nhất là vẽ minh họa cho báo Văn nghệ. Tôi từng làm minh họa ở báo Văn nghệ cùng bác Bùi Xuân Phái, bác Văn Cao, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến rồi làm minh họa vẽ cho thiếu nhi tờ Ngựa Gióng, NXB Kim Đồng, Hà Nội mới… Tìm tòi sáng tạo trong vẽ minh họa cũng là một điều rất thú vị, nó là một phần nhỏ như một cành cây trong cái cây lớn - phụ họa tung hứng giúp cho sự sáng tạo thêm phần đa dạng, thăng hoa, và kể cả đến với công chúng nữa.
Trân trọng cảm ơn họa sĩ!