Mưu sinh nơi lòng hồ thuỷ điện

ANH TUẤN 11/10/2020 09:00

Kể từ khi hồ thuỷ điện Trung Sơn tích nước cũng là lúc có hàng chục hộ dân từ Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá về đây mưu sinh. Cuộc sống của họ quanh năm gắn với nghề sông nước, luôn đối mặt với hiểm nguy do lũ quét, lũ ống có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những đứa trẻ sinh ra ngay chính tại lòng hồ gần như không được đến trường, lớp đi tìm con chữ…

Ông Mùi Văn Hiên sống cảnh đời cô lẻ nơi lòng hồ Trung Sơn.

Nhọc nhằn chuyện cơm áo

Chúng tôi tới Mường Lý, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hoá) khi bóng chiều chớm đông sập xuống. Chỉ chốc lát sau đó, màn đêm u tịch nhanh chóng bao phủ khắp những cánh rừng xanh thẳm. Lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn hiện lên màu nước bàng bạc trong ánh trăng hạ tuần tháng 8, xen lẫn ánh đèn leo lét trên từng căn bè của các gia đình ngư phủ đậu cách xa nhau hàng trăm mét. Như kế hoạch chuẩn bị trước của anh bạn dẫn đường Nguyễn Thanh Sơn, chúng tôi sẽ có một đêm tá túc trên căn bè của gia đình ông Nguyễn Văn Bàn, một chủ hộ ngư dân đến từ huyện miền núi thấp Cẩm Thuỷ.

Ông Bàn đứng từ khu bè, loe loe ánh đèn pin vàng vọt để chúng tôi tuột dốc bước xuống mép bờ lòng hồ. Tại đây, Nguyễn Ngọc Thạch, cậu con trai trưởng của ông Bàn đang nổ sẵn máy trên chiếc xuồng nhỏ đứng chờ. Chúng tôi bước lên xuồng, trong nháy mắt, Thạch vụt ga phóng thẳng về phía căn bè đậu cách bờ tầm hai trăm thước, là nơi sinh sống, cũng là nơi nuôi cá lồng của hộ dân này. Bữa đó, ông Bàn chuẩn bị mâm cơm khá thịnh soạn, thức ăn chính chủ yếu được chế biến từ cá. Cá lăng om mẻ, cá leo kho nước hàng, cá chép rán và có cả món cá mương thái gỏi nữa.

Sau khi chủ, khách qua mấy lần nâng chén, ông Bàn trải lòng: “Chú sống ở đây từ ngày chưa có thuỷ điện, ngót nghét cũng 20 năm rồi, muốn về xuôi nhưng cơ cực, bế tắc lắm. Hai vợ chồng với ba người con, quanh năm mưu sinh bằng việc bắt con tôm, con cá. Nghề này, bữa được, bữa không, làm ăn như kiểu chơi trò đỏ đen vậy. Có hôm kiếm được vài chục cân, song cũng có thời gian thời tiết thay đổi, nửa tháng không kiếm nổi mấy lạng thức ăn bỏ nồi”.

Vẫn là ông Bàn, người đàn ông có dáng hình khắc khổ, nước da đen sạm, hằn trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn, phân trần: Mới năm 2018 thôi, gia đình ông xuống giống hơn 300 con cá ké. Ơn trời, đàn cá cứ lặng lẽ lớn nhanh một cách trông thấy, cả nhà mừng thầm trong bụng sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá lên tới vài trăm triệu đồng. Song trời không chiều lòng người, một hôm nước lòng hồ đổi màu, lờ lờ đục, không hiểu sao đàn cá cứ thế lăn ra chết hàng loạt.

Trong hai ngày trời, hộ ông Bàn mất trắng khoảng 300 triệu đồng trong sự thảng thốt đến vô vọng. “Chú dự tính, bán lồng cá và bán căn nhà trên bờ cũng được khoảng trên dưới 600 triệu đồng, rồi vợ chồng, con cái cuốn gói về xuôi an phận tuổi già. Nhưng đùng cái tai hoạ ập xuống nên giờ chẳng biết đi đâu, về đâu nữa”.

Không chỉ vậy, câu chuyện miếng cơm, manh áo đối với những cảnh đời mưu sinh nơi lòng hồ ở thượng nguồn sông Mã còn có những nhọc nhằn khác. Sáng sớm tinh mơ hôm sau, khi màn sương trắng đang còn phủ kín các quả đồi, chúng tôi tỉnh dậy, cùng vợ chồng ông Bàn đi thăm câu giăng và kiểm tra lưới.

Trên lòng hồ, tôi tận mắt chứng kiến cảnh thiên la, địa võng của các loại dụng cụ bẫy bắt tôm cá, thậm chí bắt cả những con “quái vật” dưới đáy hồ. Hàng trăm đường lưới, giăng mắc ngang, dọc; hàng nghìn đường câu bẫy cá ăn ở tầng đáy được đánh dấu bằng những chiếc dây dù to như đầu ngón tay buộc vào các thân cây rừng đã chết vì nước lòng hồ ngập và vô số vó bè đặt tà tà mặt nước bẫy loài cá chép. Ngoài ra, còn có không biết bao nhiêu chiếc đó do ngư dân rải xuống dọc bờ lòng hồ để bẫy tôm.

Đi từ lúc tờ mờ sáng, song khi chúng tôi quay trở lại bè mặt trời đã đứng bóng rọi thẳng xuống lòng hồ. Bà Trinh (vợ ông Bàn) thủ thỉ như thanh minh: “Chắc hôm nay được khoảng 10kg tôm, 4-5kg cá leo và chừng ấy kg các loại cá vặt khác. Tổng thể, nếu được giá thì mang về nguồn thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng”. Tôi nhẩm tính, như vậy mỗi tháng, ít nhất nhà bà Trinh cũng phải kiếm được 60 triệu đồng.

Bà Trinh tròn mắt: “Như rứa, cô chú giàu to cháu ạ. Nửa tháng nay rồi, đúng bữa các cháu lên, cô chú gặp may mắn. Còn chưa kể, hôm nào được cá thì cả cái lòng hồ này ai ai cũng được. Vậy nên giá cả thường bị tư thương ép, thực tế việc làm lụng ở đây cũng chỉ kiếm kế sinh nhai qua ngày”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bàn đã nương náu ở Trung Sơn suốt gần 20 năm.

Hiểm họa rình rập

Chuyện đời của vị ngư phủ ngót nghét sáu chục xuân xanh Mùi Văn Hiên như một tấn bi kịch. Ông quê tận Suối Sáng, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu (Sơn La). Sau khi chia tay với người vợ cả, ông xuôi về Trung Sơn “ở ẩn”.

Tại đây, ông gặp chị Mùi Thị Tiên, một cảnh đời ngang trái. Vậy rồi rổ rá cạp lại, họ nương tựa vào nhau gây dựng cuộc sống mới. Hai người đóng bè nuôi cá ngay trên lòng hồ Trung Sơn. Năm lồng cá của họ hứa hẹn mang về nguồn thu nhập đáng kể, giúp cuộc sống mỗi ngày thêm sung túc.

“Tôi mong chờ một ngày không lâu nữa, Tiên sẽ sinh cho tôi thêm mụn con để cửa nhà rộn ràng tiếng bi bô của con trẻ. Cô ấy cũng ao ước như vậy. Nhưng đâu ngờ thảm hoạ giáng xuống khiến cuộc đời tôi một lần nữa phải lãnh nhận đến tận cùng nỗi đớn đau”, ông Hiên bộc bạch.

Ngồi vá lưới trên căn bè trong cảnh cô quạnh, ông Hiên nhớ lại: “Tôi từng mua hai chiếc tàu chở ngô dọc sông Đà, từng có tới 3 chiếc ô tô tải cỡ lớn. Nhưng tất cả đều tan theo mây khói cũng chính bởi thiên tai. Khi về Trung Sơn nương tựa nghề sông nước, an phận những năm tháng cuối đời. Song, Tiên rời khỏi cuộc đời này một cách tang thương đến mức tôi không thể tưởng tượng nổi. Kỷ niệm buồn thê thảm đó nó sẽ chẳng bao giờ có thể mờ phai trong tâm trí tôi”.

Đó là câu chuyện xảy ra vào tháng 8 năm 2019, đang ban ngày nhưng bỗng chốc trời đổ sầm bóng tối, kéo theo từng cơn gió rít lên ghê rợn. Không lâu sau, mưa đổ xuống vùng đất thâm sơn cùng cốc này. Từng vệt mưa lao xuống như nghìn vạn mũi tên kết hợp với đợt gió khủng khiếp đã đẩy nước từ lòng hồ Trung Sơn dềnh lên vô cùng hung dữ.

Ông Hiên nghẹn ngào: “Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến, đối diện với cơn cuồng phong khủng khiếp đến vậy. Gió lớn kết hợp cùng sóng nước mạnh tới mức khó tưởng tượng, nó nâng cả 5 lồng cá, hai chiếc thuyền lớn của vợ chồng tôi lên không trung đến 15 thước rồi ném thẳng xuống đáy hồ. Tôi và vợ đang ngồi cạnh nhau thì bị gió lôi đi, vứt thẳng vào mênh mông biển nước. Tôi may mắn sống sót, còn Tiên thì vĩnh viễn không có ngày trở về”.

Nói như vậy để thấy cuộc sống của những thân phận đang mưu sinh nơi lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn khốn khổ tới mức nào. Và đâu là giải pháp giúp cho cuộc sống của họ an toàn hơn, dường như không thể tìm ra câu trả lời cụ thể. Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý thật thà: Hàng chục hộ dân góp từ nhiều tỉnh hội tụ về đây và đang mưu sinh nơi lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn là đúng sự thật. Mỗi gia đình có tiểu sử khác nhau nhưng tựu trung đều giống nhau ở sự cám cảnh. Việc họ sống bằng nghề ngư, gần như không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương cũng đúng sự thật.

Ông Tuấn nói: “Chúng tôi bế tắc trong việc chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho họ ngoài việc mỗi khi mưa lũ ập về thì tuyên truyền để bà con chủ động ứng phó, bảo toàn tính mạng, tài sản. Việc học hành của những đứa trẻ sinh ra ngay trên lòng hồ cũng đang vấp phải những rào cản vô hình bởi câu chuyện miếng cơm, manh áo. Bên cạnh đó, xã không biết làm cách nào để chăm sóc sức khoẻ cũng như giữ gìn an ninh trật tự đối với số hộ ngư dân này”. Bởi theo ông Tuấn, các hộ ngư dân lúc đậu bè bên bờ đập thuộc xã Mường Lý, có khi lại di cư sang bờ phía đối diện là địa phận xã Trung Lý.

Cuộc sống của hàng chục hộ dân chài sống rải rác dọc khu vực lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn không chỉ khó khăn về mọi mặt trong đời sống kinh tế, họ còn thường trực đối diện với những hiểm hoạ rình rập mỗi khi thiên tai ập tới bất ngờ. Ngồi dưới bè của ông Mùi Văn Hiên, nhìn ngược lên con đường 15C mới thấy lòng hồ rộng, sâu là vậy nhưng trông nó nằm lọt thỏm như một máng nước giữa hai bên là những vách đất đá dựng đứng. “Chỉ cần cơn cuồng phong lao tới, cả lòng hồ sẽ dềnh lên giống như kiểu sóng thần”, ông Hiên nói.

ANH TUẤN