Một phong cách trưng bày đổi mới
Sau hai năm xây dựng, bảo tàng Tố Hữu đã chính thức đi vào hoạt động. Nơi đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về nhà thơ Tố Hữu. Đặc biệt, đến với bảo tàng người xem sẽ thấy được một phong cách trưng bày đổi mới và hết sức khoa học.
Sáng 11/10, tại số nhà D9 - Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành bảo tàng mang tên nhà thơ Tố Hữu. Nét mới độc đáo trong trưng bày của bảo tàng là hai tuyến xem song song, hòa quyện nhau phản ánh cuộc đời Tố Hữu.
Trong đó, tuyến thứ nhất là cuộc đời và hoạt động chính trị. Ở tuyến này mọi hoạt động của ông được giới thiệu theo trình tự thời gian và được đặt trong bối cảnh quốc tế. Cách trưng bày này thể hiện sự tác động qua lại chặt chẽ giữa cá nhân với thời cuộc, giữa con người với xã hội rộng lớn cả gần lẫn xa.
Tuyến thứ hai được trưng bày tại bảo tàng là những bài thơ, những tập thơ của nhà thơ Tố Hữu xuất hiện dần theo năm tháng được đặt trong tầm nhìn , quy chiếu với tuyến chính trị. Điều đặc biệt cả hai tuyến trưng bày này có những phần hòa chung với nhau.
Là một trong những người tham gia xây dựng lên cách trưng bày cho bảo tàng Tố Hữu, PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN cho biết: “Cách đây gần hai năm, chị Hoa, chị Hồng (con gái nhà thơ Tố Hữu – PV) tìm đến chúng tôi ngỏ ý muốn làm lại nhà lưu niệm Tố Hữu. Khi sinh thời, phu nhân nhà thơ Tố Hữu đã cho tổ chức một nhà lưu niệm với cách trưng bày rất giản dị, chân phương nhưng đầy xúc động. Sau 10 năm, những người con của nhà thơ Tố Hữu muốn trưng bày chuyên nghiệp hơn một chút, hiện đại hơn nhưng các chị cũng bày tỏ lo ngại liệu làm lại có thể tốt hơn không?”.
Đó là thách thức, “Nhưng thách thức lớn hơn với chúng tôi là làm thế nào để chuyển tải cho người xem, làm thế nào để chính những người thân, con cháu trong gia đình nhà thơ Tố Hữu cũng như công chúng đến phòng trưng bày có thể hiểu đúng nhất về Tố Hữu. Một nhà cách mạng mà sự nghiệp thơ của ông chính là một phần của sự nghiệp cách mạng suốt đời ông phụng sự”, ông Huy chia sẻ tại buổi lễ khánh thành.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ao ước căn nhà của nhà thơ Tố Hữu sẽ trở thành bảo tàng, đó là căn nhà số 76 Phan Đình Phùng đầy ắp những kỉ niệm đẹp. Và ao ước của ông đã trở thành hiện thực: “Tới tham quan bảo tàng tôi thấy rất chuyên nghiệp, hết sức trang nhã. Bảo tàng đã tiến hành được song song hai con người Tố Hữu trong một. Đó là nhà lãnh đạo cách mạng, chiến sĩ kiên cường của cách mạng và là một nhà thơ cách mạng hàng đầu. Ở đây ta như nghe được giọng nói của nhà thơ Tố Hữu, có cảm giác như chính ông là người đã dẫn chúng ta đi trong bảo tàng, chúng ta thấy được từng bước hoạt động của nhà thơ Tố Hữu đã gắn bó với Đảng và cách mạng như thế nào”.
Với cách trưng bày khoa học và đổi mới, kết hợp phương tiện nghe nhìn , bảo tàng cung cấp cho người xem hiểu hơn về nhà thơ một cách đầy đủ và đa chiều với các tư liệu bối cảnh quốc tế, đất nước trong gần một thế kỷ nhiều biến động.