Tuyên Quang: Bức xúc, dân chế 'súng' chống cát tặc
Nhiều năm nay, cát tặc hoành hành trên khắp các con sông chảy qua Tuyên Quang. Người dân ra sức xua đuổi bảo vệ đất đai, tài nguyên quốc gia, song cơ quan chức năng thì làm ngơ, chiếu lệ hoặc chỉ nhẹ tay xử lý sai phạm. Phóng sự của Đại Đoàn Kết ghi lại hành động của người dân nỗ lực xua đuổi cát tặc bằng "súng thần công" tự chế.
"Súng thần công" bắn cả tạ gạch mỗi đêm
“Quá mệt mỏi, bức xúc nhưng chúng tôi cũng vẫn kiên quyết xua đuổi cát tặc”, một người dân xóm 9 (xã Tân Long, Yên Sơn, Tuyên Quang) nói. Minh chứng sự kiên cường và quả cảm của bà con nhiều năm trường kỳ chống cát tặc, dân trong thôn dẫn chúng tôi đến “trận địa phòng thủ” bố trí trên bờ sông đối diện với khu vực tàu đang khai thác cát.
Một tàu hút hoán cải công suất lớn (hàng trăm m3 cát, sỏi/giờ) đang gầm rú cắm sâu vòi dài hơn hai chục mét hút cát sỏi lên băng truyền gầu tải, qua sàng phân loại chuyển thẳng vào khoang hai con tàu áp sát bên cạnh. Nếu đầy khoang mỗi con tàu áng chừng chứa 200-300 m3 cát sỏi.
Nấp trong rặng tre, một “trận địa thần công” được dân trong thôn dựng lên. "Súng thần công” là 2 gốc tre đực thẳng, đường kính khoảng 12 cm, dài gần 5 m, được chôn theo hàng ngang chắc chắn, cách nhau hơn 1 m. Thân "súng" được cột chắc bằng dây cao su to bằng cổ tay có độ đàn hồi rất cao. Một thanh niên dáng khoẻ mạnh, cánh tay gân guốc cầm hòn đá to bằng quả cam đặt vào vị trí giữa dây cao su, rồi dùng hai tay hết sức từ từ kéo căng dây cao su về phía sau.
"Thôi! Đừng bắn, nguy hiểm lắm!". Nhưng “phựt”, dây đã được buông tay, bật cực mạnh về phía trước, hai thân tre rung lắc bần bật, hòn đá bắn đi với tốc độ rợn người. “Choang”, tiếng hòn đá trúng đích vào thân tàu đang ngoạm cát giữa sông. Một người đàn ông mặc áo trắng đang đi lại trên tàu nghe tiếng đá bắn trúng liền nhanh chân chạy vào buồng tàu ẩn náu như một phản xạ vốn đã quen thuộc hằng ngày.
Tiếng tàu vẫn gầm rú, băng gầu tải đầy cát sỏi vẫn liên tục được đưa lên đổ vào khoang hai con tàu. Cách “súng thần công” này chục mét, một “khẩu” khác đang được hoàn thiện.
Anh Lưu Trần Được (48 tuổi) Công an viên của xã phụ trách xóm này gần 4 năm, cho biết, súng bắn đá này rất mạnh, hòn đá có thể bay xa hàng trăm mét, thậm chí sang tận bờ bên kia sông. Nếu trúng vào người sẽ bị thương nặng, thậm chí gây chết người.
"Có đêm, hàng chục anh em chúng tôi thay nhau bắn hết vài tạ gạch đá, chúng mới chịu rút đi. Chúng tôi biết dùng cách bắn đá này là sai, có thể xảy ra thương vong, hay án mạng, nhưng không làm thế thì toàn bộ đất bãi canh tác, đất vườn của mấy chục hộ gia đình chúng tôi đã trôi sông hết rồi! Lấy gì để sống?. Kêu cứu gần chục năm nay nhưng chưa bao giờ bà con chúng tôi được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết".
Anh Phạm Văn Vỹ (29 tuổi) cho tôi xem đơn kiến nghị của người dân gửi chính quyền xã, với gần 50 chữ ký đại diện cho các hộ gia đình có đất bãi, đất vườn bị sạt lở do nạn “cát tặc”.
"Nhưng suốt từ đó đến nay, người dân chúng tôi chưa từng nhận được câu trả lời nào của xã, các cấp chính quyền hay cơ quan chức năng khác”, anh Vỹ nói với tâm trạng rất bức xúc.
Chính quyền xử lý mập mờ, chiếu lệ
Điều 13, khoản 2 -Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020, “các khu vực sau đây được khoanh định là khu vực cấm khai thác cát, sỏi lòng sông: a) khu vực đang bị sạt, lở; b) khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục sạt, lở; c) khu vực bờ sông không ổn định có nguy cơ tiếp tục sạt, lở”.
Chiều 5/10, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an huyện Yên Sơn do Thượng úy Đào Công Điện làm trưởng đoàn, đến khu vực khai thác cát của Công ty Tân Hà.
Đoàn lên tàu đang khai thác cát kiểm tra. Tại đây, đoàn chỉ kiểm tra tàu đang hoạt động trong phạm vi cho phép, ngoài ra không kiểm tra thêm bất kỳ giấy phép gì, số lượng tàu được phép hoạt động,... “Đợt kiểm tra chỉ có vậy, quá nhanh, quá gọn(?)”, anh Lưu Trần Được nói.
Sáng 6/10, anh Trần Văn Hà và anh Phạm Văn Vỹ được xã Tân Long gọi đến làm việc. Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch xã trực tiếp nghe phản ánh về việc khai thác cát sỏi làm sạt lở đất bãi tại xóm 9. Bà khẳng định sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn giải quyết và cho biết hiện tại xã không đủ thẩm quyền cũng như năng lực xử lí tình trạng.
Chiều cùng ngày, một đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Xuân Nho, Phó Chủ tịch huyện Yên Sơn, làm trưởng đoàn, các thành viên gồm ông Đỗ Văn Oánh, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Yên Sơn; ông Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch xã và bà Lý Thị Thanh Liên, công chức địa chính xã Tân Long, cùng phối hợp kiểm tra tàu khai thác cát sỏi (thuộc “chủ quyền” Công ty Tân Hà).
Tại đây, đoàn phát hiện số tàu khai thác vượt quá quy định, chủ tàu không cung cấp được giấy tờ cần thiết theo quy định. “Ông chủ cầm theo giấy đi công tác Hà Nội chưa về”, một công nhân trên tàu trình bày.
Sáng 7/10 tại xóm 9, tàu tạm ngừng hoạt động. Người dân cả xóm hân hoan được một ngày bình yên. Khúc sông “quặn đau” được một ngày yên ắng, trước khi chống chịu đòn chọc hút tiếp theo được dự báo sẽ khốc liệt hơn, để bù vào sản lượng thiếu hụt do một ngày phải tạm ngưng...
Lần nào cũng vậy, người dân đã quen với lệ sông trước nay. Đúng như dự báo, sau một ngày tạm ngưng, sáng 8/10, mọi hoạt động "đục khoét" dòng Lô của Công ty Tân Hà lại tiếp tục như mọi ngày...
Vì sao nên nỗi!?
"Kiểm tra cũng mặc, phạt vài chục triệu bõ bèn gì, Công ty Tân Hà cho tàu tập trung khai thác mạnh hơn", vợ chồng anh Lưu Văn Thảo (61 tuổi) và chị Cao Thị Thơm (52 tuổi) nói.
Tàu công suất lớn vẫn vào sát bờ trang trại để chọc hút. Quá bức xúc vì họ bỏ ngoài tai tiếng kêu cứu của người dân, gia đình anh Thảo đã gọi điện trực tiếp cho ông Phạm Ninh Thái, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn.
Ông Thái cho biết đã có công văn gửi ngay đến Sở TN&MT tỉnh khi báo Đại Đoàn Kết phản ánh.
"Còn việc yêu cầu dừng khai thác, UBND huyện không đủ thẩm quyền”(?), ông Thái giãi bày.
Đã gần chục ngày, Sở TN&MT chưa hề động thái gì. Một sự im lặng đáng sợ khiến người dân hồ nghi về những mờ ám, khuất tất, khó hiểu trong "mối quan hệ" giữa cơ quan quản lý tài nguyên với doanh nghiệp.
Cấp phép tràn lan, buông lỏng quản lý, xử phạt không nghiêm, báo cáo sai sự thật, đùn đẩy trách nhiệm,... là thực tế đang diễn ra thường ngày tại Tuyên Quang trước thực trạng “xẻ thịt” dòng Lô.
Phải chăng tình trạng “cát tặc”, vô chính phủ kéo dài hàng chục năm qua tại các dòng sông ở Tuyên Quang với nguồn lợi “khủng”, dư luận đồn đoán lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, đã làm khó các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp?!!!.
Tàu hút hoán cải "khủng" hơn tàu cuốc
Để bạn đọc rõ hơn về sức mạnh tàu hút hoán cải, tác giả bài viết đã tìm đến xưởng cơ khí của anh Hoàng M. (TP Tuyên Quang) và một xưởng ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Hai xưởng chuyên chế tạo gia công cơ khí cho các tàu hút.
Anh M. cho biết, so với tàu cuốc, tàu hút được độ chế có công suất lớn hơn nhiều lần; tàu hút nhỏ nhất đường kính ống hút cũng 20 cm. Thường thì đa phần họ làm loại công suất lớn, tàu công suất lớn nhất tôi làm cho họ có đường kính ống hút 40 cm, chạy bằng động cơ xe tải loại 20-25 tấn, nếu chỗ dày cát sỏi, một ngày đêm (trừ giờ nghỉ), tàu có thể hút khoảng 3.000 - 4.000 m3.
Với đơn giá cát loại đẹp 250.000 đ/m3, tại Tuyên Quang, một ngày đêm một tàu hút có thể thu về hàng tỷ đồng. Với gần trăm tàu hút lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, thử hỏi số tiền “cực khủng” đã chảy vào những đâu trong suốt nhiều năm qua?