Sách giáo khoa Lớp 1: Điều chỉnh đến bao giờ?
Những bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã được Hội đồng Quốc gia thẩm định và được Bộ GDĐT phê duyệt để các trường lựa chọn, triển khai hoạt động dạy học năm học 2020-2021 đang gặp những ý kiến khác nhau từ phụ huynh và giáo viên.
Dù cả tác giả cuốn sách cũng như đại diện Bộ GDĐT đều khẳng định sẽ lắng nghe và điều chỉnh nếu có những điểm chưa hợp lý trong sách Tiếng Việt 1, song đây là sản phẩm đã được thẩm định và đang giảng dạy tại nhiều trường học trên cả nước, lẽ nào cứ phát hiện lỗi là thông báo rà soát, điều chỉnh?
Nhặt sạn SGK
Chỉ hơn một tháng triển khai chương trình SGK lớp 1, hàng loạt các ý kiến góp ý về nội dung chương trình và bài học trong SGK được các phụ huynh và giáo viên phản ánh trên các diễn đàn cũng như qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Không chỉ than nặng, nhiều phụ huynh phản ứng khi đọc các mẩu truyện tập đọc trong sách với cách dùng từ không thông dụng, khó hiểu nhiều phương ngữ cũng như không rõ tính giáo dục đối với học sinh (HS) lớp 1.
Cụ thể, trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều có sử dụng những từ như “thở hí hóp”, gà nhí”, “gà nhép”, “chả”… được nhiều người phản ánh là không thông dụng trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, có những từ như “tợp”, “chén”, “mõm” được cho là không nên dùng để dạy trẻ con bởi không chuẩn mực. Hay trong cùng một bộ sách, có bài sử dụng “ba má”, bài lại dùng từ “bố mẹ” có thể gây khó hiểu cho HS.
Về nội dung những mẩu truyện được trích dẫn trong sách, nhiều phụ huynh đọc sách cùng con đã rất băn khoăn về ý nghĩa giáo dục của các bài Chó xù (bài 30), Vẽ ngựa (bài ôn tập cuối năm). Riêng những mẩu truyện ngụ ngôn, mặc dù được tác giả giải thích là phỏng theo truyện ngụ ngôn nổi tiếng của nước ngoài hoặc truyện dân gian Việt Nam nhưng đối với nhận thức của HS lớp 1, không phải bé nào cũng có thể hiểu đúng và đầy đủ, kể cả giáo viên đã giải thích trên lớp do lời nói gió bay còn mẩu truyện là chữ sẽ đọng lại mãi trong đầu trẻ. Đó là trường hợp của hai mẩu truyện gây nhiều tranh cãi trong cuốn sách là “Cua, cò và đàn cá” và “Hai con ngựa”.
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt khẳng định phần đầu của truyện cũng có nghĩa. Nó dạy trẻ tính cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu. Đây là bài học rất cần thiết với trẻ. Nhưng phụ huynh thì than rằng, không rõ ngoài sự lọc lừa, xảo quyệt của con cò thì tác giả muốn “ngụ ý” điều gì ở đây?
Bao giờ ngừng “đẽo cày giữa đường”?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt, bộ Cánh Diều, đồng thời cũng là Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cho biết ông và những người làm chương trình, SGK luôn lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh và xã hội. Đối với những góp ý phía trên, ông lý giải cặn kẽ từng ý kiến theo quan điểm của mình nhưng cũng khẳng định: “Tôi tin nếu phụ huynh chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng không thể “đẽo cày giữa đường”, ai nói gì cũng nghe được”.
Chia sẻ thêm, GS Thuyết cho hay tuần tới, các tác giả sách Tiếng Việt, bộ Cánh diều sẽ họp bàn với tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản về nội dung chỉnh sửa cụ thể.
Một bộ SGK đã được Hội đồng Quốc gia thẩm định, nói như GS Trần Đình Sử là “trong quá trình thẩm định, hội đồng xem xét từng trang, bài, câu hỏi, câu chữ, tranh vẽ, không đọc lướt nên không thể để lọt “những chuyện vớ vẩn” được”. Song, hàng loạt những “hạt sạn” được nhặt thì rõ ràng, cần phải xem rà soát lại. Mới đây nhất, Bộ GDĐT vừa có công văn gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo liên quan nội dung SGK môn Tiếng Việt lớp 1 và báo cáo về Bộ trước ngày 17/10.
Vẫn biết, việc điều chỉnh sản phẩm sau một thời gian sử dụng là bình thường. Nhưng với SGK - một sản phẩm của giáo dục và sử dụng trong việc dạy học trong các nhà trường với lứa học sinh mới bắt đầu chập chững làm quen với mặt chữ, nếu cứ vừa dạy vừa điều chỉnh thì sẽ đi đến đâu? Bộ GDĐT không thể cứ lâu lâu lại ra văn bản rà soát, điều chỉnh sau những ý kiến của dư luận?
Lắng nghe và cầu thị là cần thiết nhưng không vì thế mà “đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe” như ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết. Nhất là với SGK - những sản phẩm yêu cầu tính chuẩn mực ở mức cao nhất để dạy HS thì không thể cứ thử nghiệm, sai đâu sửa đấy...
Trao đổi với phóng viên, một thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK cho rằng trên thực tế, mỗi bộ sách dù được biên soạn, thẩm định kỹ đến đâu, khi đưa vào thực tiễn vẫn có những “hạt sạn” được phát hiện vì hàng triệu đôi mắt soi vào chắc chắn sẽ tinh tường hơn là một vài cá nhân. Ngay như SGK hiện hành, được sử dụng trong nhiều năm vẫn còn có những tranh cãi trong bài thơ, câu chuyện được trích dẫn. Đơn cử như bài “Thương ông” trong SGK Tiếng Việt lớp 2 hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên dùng phiên bản cắt ghép như SGK đang dùng hay nên lấy bản gốc sáng tác của nhà thơ Tú Mỡ? Mỗi người một quan điểm nhưng rõ ràng, mong muốn tất cả mọi người chung một quan điểm, một góc nhìn là điều không tưởng. Cần lắng nghe các góp ý nhưng phải chắt lọc những ý kiến hợp lý để điều chỉnh.
Bộ GDĐT yêu cầu rà soát SGK tiếng Việt lớp 1
Trước những thông tin phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 đề nghị rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1; báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 17/10/2020.