Không ham tiền lạ
Trong cuộc sống hối hả hôm nay, không ít người có lối sống thực dụng, coi tiền là trên hết, bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền bằng mọi giá. Song, cũng có nhiều người dù nghèo khó nhưng sẵn sàng trả lại hàng trăm triệu đồng nhặt được.
Nữ sinh viên ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) Bùi Thị Kiều Anh đã tới Công an phường 14 (quận Bình Thạnh) gửi số tiền 200 triệu đồng nhặt được để trả lại cho người bị mất. Hành động tự giác trả lại số tiền nhặt được lớn như vậy của nữ sinh viên không phải ai cũng có thể tự giác làm.
Dù gia cảnh của Kiều Anh có giàu đến cỡ nào, nhưng với một sinh viên thì số tiền trên cũng là quá lớn, có thể sử dụng vào nhiều việc. Nếu là một người tham lam, Kiều Anh hoàn toàn có thể ỉm đi để chi tiêu cá nhân cũng không ai biết được. Song, thay vì làm điều đó, em đã quyết định đến cơ quan công an giao nộp để trả lại người bị mất.
Số tiền 200 triệu đồng đối với các “đại gia” đã không phải là nhỏ, đối với một người có thu nhập trung bình thì nó lại càng lớn. Nếu người bị mất không giàu có gì, số tiền trên chính là sự cóp nhặt, dành dụm cả đời, khi bị mất họ sẽ đau khổ lắm. Việc trả lại số tiền trên của Kiều Anh sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người đánh rơi, thậm chí cứu vớt số phận một con người. Điều đó đáng quý, đáng trân trọng lắm!
Sếp tôi từng nói, tiền thì ai mà chẳng cần. Vâng, rất đúng. Tiền thì ai cũng cần, nhất là những em sinh viên còn đang có hàng trăm khoản phải chi tiêu như đóng học phí, tiền thuê nhà, điện, nước, với các nữ sinh thì còn là son phấn, thời trang... Song, chúng ta tiêu pha đồng tiền như thế nào, nó từ đâu ra lại là câu chuyện khác.
Có không ít người chỉ thích tiêu tiền, bất biết nguồn gốc số tiền đó có từ nơi nào, cũng chẳng cần biết là tiền của ai, miễn là phục vụ được “ngay và luôn” nhu cầu vật chất của bản thân. Đó là lý do mà không ít người tìm đủ mọi cách bòn rút tiền của Nhà nước. Lại có vài ba nữ sinh đại học, do đua đòi muốn có tiền để mua sắm mỹ phẩm “xịn”, quần áo hàng hiệu... đã “bán thân” cho các “đại gia”. Cũng lại có một số nam sinh viên “vặt” tiền bố mẹ để cờ bạc, rượu chè...
Trong sự xô bồ ấy, Kiều Anh nổi lên với một nhân cách sáng ngời, đáng trọng. Lẽ nào em không biết tiêu tiền? Trên đời này, trừ những em bé tí tẹo chưa có nhận thức, chẳng có ai là không biết tiêu tiền cả. Vậy cớ sao Kiều Anh lại trả lại tiền? Đơn giản em là một người có lòng tự trọng, được giáo dục đầy đủ, hơn thế nữa em là người tốt.
Tất nhiên, Kiều Anh không phải là trường hợp duy nhất có trái tim nhân hậu, thật thà, xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt, trung thực như vậy. Song, có một tỷ lệ hơi buồn, đó là những người nhặt được của đánh rơi đem trả lại người bị mất lại chủ yếu rơi vào những trường hợp yếm thế như học sinh, sinh viên, người nghèo, thậm chí là người dọn rác, hầu như không thấy người giàu trả lại tiền nhặt được bao giờ.
Chẳng hạn như trường hợp của em Thái Đình Nhân, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đa Kia B (xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã trả lại 50 triệu đồng cho người đánh rơi, cách đây hơn 3 tháng. Tương tự, em Hồ Thế Thuận, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học B (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cũng đã vô tư trả lại người bị mất số tiền 70 triệu đồng dù gia cảnh rất nghèo.
Hay như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Minh Tuấn và chị Lê Thị Ngọc Giàu đã không ngần ngại trả lại người đánh rơi 5 cây vàng và hơn 17 triệu đồng tiền mặt. Cả hai anh chị đều là nhân viên thu gom rác, có hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vì thế số tiền vàng nói trên không hề nhỏ. Vậy mà thay vì “đút túi”, anh chị đã giao nộp, nhờ cơ quan chức năng tìm người bị mất để trả lại.
Còn vô số những trái tim nhân hậu, thật thà, những con người trung thực, biết sẻ chia yêu thương như vậy mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết. Song, qua một vài ví dụ trên để thấy, dù cuộc sống này có khó khăn vất vả thế nào, dù xã hội còn không ít những kẻ hám lợi, thực dụng, thì vẫn còn đó những tấm gương sáng, những nhân cách cao quý, đáng nể, đáng trọng. Dù nghèo, họ cũng không ham tiền lạ.