Nội dung SGK lớp 1: Phải có những giải pháp hỗ trợ thực tế
Giáo viên và phụ huynh đều đang gặp một số khó khăn trong quá trình dạy và học SGK lớp 1 mới. Một số ý kiến nhận định, những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này là cần thiết, tuy nhiên, cần đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính thực tế.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa (SGK) mới. Có 5 bộ SGK được áp dụng chính thức, trong đó có bộ SGK Cánh Diều và 4 bộ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sau hơn một tháng bước vào năm học, nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên đã có ý kiến xung quanh chương trình học, đánh giá nội dung chương trình nặng, bài học thiết kế tốc độ nhanh. Đặc biệt, dư luận “xôn xao” về bộ SGK tiếng Việt Cánh Diều, nhận xét, nội dung sách “sử dụng nhiều từ ngữ địa phương, có những truyện ngụ ngôn phản giáo dục”.
Lý thuyết chưa được song song với thực hành
Cô N.P. (một giáo viên lớp 1) chia sẻ, chương trình học lớp 1 năm nay có nhiều đổi mới, bộ SGK mới có hình ảnh đẹp, màu sắc phong phú làm cho học sinh thích thú. Tuy nhiên, nội dung chương trình nặng hơn và có một số điểm đang gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
Trong đó, tất cả các bộ SGK lớp 1 năm nay đều chưa có bộ thực hành Tiếng Việt hoặc Toán đi kèm, chính vì vậy, học sinh không có dụng cụ hỗ trợ trong việc tự ghép âm, vần để thực hành nội dung đã học.
Với cương vị là giáo viên lớp 1 đã nhiều năm, cô N.P. nhận định, bộ thực hành giúp học sinh rất nhiều trong quá trình học, học sinh nhớ và khắc sâu kiến thức hơn khi được tự tay ghép vần, ghép tiếng. Việc không có bộ thực hành khiến giáo viên, học sinh vất vả hơn trong dạy và học.
Không có các tiết “đệm”, nội dung các bài tập đọc dài hơn
Cô B.T.D. (một giáo viên lớp 1) cho biết, so với chương trình mọi năm, chương trình lớp 1 mới không có các tiết “đệm” để học sinh học các nét cơ bản của chữ viết. Học sinh bắt đầu đi học là học viết ngay các chữ, vần. Điều này khiến học sinh “lúng túng”, giáo viên vất vả hơn khi buộc phải dạy song song tập viết các nét, các chữ.
Chị N.M.S. (phụ huynh có con đang học lớp 1) chia sẻ, việc không được học tuần “đệm”, học các nét cơ bản trước khi bước vào học chữ, âm, vần khiến bản thân con chị rất lúng túng. Con tập viết khá “vất vả”, thậm chí, con còn viết ngược các chữ.
Bên cạnh đó, nội dung các bộ sách năm nay đều có sự thay đổi về việc sắp xếp các bài học. Mỗi bài học đều có lượng âm, vần tăng lên. Các bài tập đọc có số lượng câu nhiều hơn, từ 4-5 câu dài.
Điển hình, bài 6A sách Tiếng Việt tập 1 của bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” có nội dung học 4 âm vần gồm: â - ai – ay - ây. Theo đó, học sinh phải học cùng lúc 4 âm, vần trong một bài, kèm theo bài tập đọc “Nai nhỏ” gồm 4 câu khá dài. Ở chương trình cũ, đối với bài tập đọc này, học sinh chỉ học 2 vần ai – ay, nội dung đơn giản hơn.
Quá nhiều “hạt sạn” trong bộ SGK Cánh diều
Trong 5 bộ SGK lớp 1 mới, bộ SGK Cánh diều là bộ sách “thu hút” nhiều ý kiến trái chiều nhất, tập trung vào nội dung các bài tập đọc và việc sử dụng từ ngữ địa phương.
Đặc biệt, việc sử dụng từ “chả” thay thế cho từ “không” khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất ngờ, bởi các bạn nhỏ sử dụng từ ngữ được học trong sách để áp dụng vào thực tế giao tiếp với người lớn, khi dùng từ “chả” sẽ không phù hợp, không thể hiện sự tôn trọng.
Có nhiều ý kiến nêu về nội dung một số câu chuyện trong SGK như “Cua, cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”,… cho rằng, nội dung không phù hợp, có thể dạy cho trẻ con tính xấu như “trốn việc” và “mưu mẹo”.
Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT “xoa dịu” dư luận
Trước phản ánh của dư luận, Bộ Giáo dục và đào tạo đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và việc rà soát các nội dung không phù hợp trong SGK lớp 1. Những chỉ đạo này được dư luận ủng hộ, khẳng định, đây là những chỉ đạo cần thiết, hỗ trợ trực tiếp học sinh lớp 1. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là cách “xoa dịu” dư luận, mà chưa đưa ra các giải pháp thực tế.
Liên quan đến việc “không giao bài tập về nhà cho học sinh”, môt số phụ huynh cho rằng, việc này mang tính hai mặt. Xét theo mặt tích cực, các con đã học trên lớp cả ngày, buổi tối cần có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu các con không làm bài tập về nhà để tập đọc, tập viết thì các con sẽ không theo kịp chương trình trên lớp.
Chị V.P.T. (phụ huynh có con đang học lớp 1) chia sẻ thêm, học sinh rất nghe lời giáo viên, giáo viên giao bài tập các con sẽ cố gắng hoàn thành. Nhưng nếu bố mẹ yêu cầu tự luyện đọc, luyện viết, nhiều bạn sẽ không làm bởi lý do “cô giáo không giao bài”.
Liên quan đến việc rà soát các nội dung không phù hợp trong SGK lớp 1, nhiều phụ huynh nhận định, việc rà soát là cần thiết, nhưng sau khi rà soát, phương án sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành như thế nào? Họ bày tỏ sự lo lắng, nếu có thay đổi thì cũng phải trải qua hết năm học này, lứa học sinh lớp 1 năm nay sẽ trở thành “chuột bạch” và phải học các nội dung chưa phù hợp, ảnh hưởng đến một quá trình đi học của con em họ.
Dư luận bày tỏ sự ủng hộ đối với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới: “Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK, khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, ‘nhặt sạn’ ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người ‘nhặt’ thì chắc chắn ‘sạn’ sẽ bớt đi”.
Nhiều phụ huynh khẳng định, việc chia sẻ bản thảo các sản phẩm mang tính phổ cập như bộ SGK lớp 1 để xin ý kiến đóng góp là việc làm thiết thực. Chính dư luận cũng được hiểu rõ hơn về quá trình hình thành sản phẩm trước khi đi vào thực tế áp dụng.
Đồng thời, cũng có ý kiến đề xuất, Bộ Giáo dục và đào tạo cần thống nhất áp dụng 1 bộ SGK, không nên biên soạn và đưa vào sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK, tránh những lãng phí không cần thiết. Đồng thời, việc biên soạn, kiểm định 1 bộ sách sẽ mang tính tập trung, bộ SGK có chất lượng cao nhất.