Doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại và vận dụng kinh tế số
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, không còn con đường nào khác, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, vận dụng kinh tế số.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các DN đang có nhu cầu lớn về đầu tư phát triển KHCN nhưng hầu hết còn yếu kém, chưa đủ tiềm lực và định hướng trong chiến lược. Và hiện nay có tới 97% các DN Việt Nam là các DN nhỏ, DN vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, tiếp cận vốn, chính sách.
Số liệu thống kê được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho thấy, chỉ trong 9 tháng của năm 2020, có khoảng 70.000 DN phải tạm dừng hoạt động, với khoảng 18 triệu lao động mất việc làm. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, nhiều DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã phải thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động.
Tuy vậy, trong bối cảnh này, vẫn có 99.000 DN thành lập mới, và đa số là các DN KHCN hoặc DN có ứng dụng các nền tảng của KHCN trong hoạt động. Điều này cho thấy, Covid-19 đã làm thay đổi quy mô, phương thức và cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh của các DN.
Trước những khó khăn trên, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế Trung ương cho rằng, để tồn tại và phát triển hậu Covid-19, các DN cần phải tái cơ cấu lại, đồng thời vận dụng kinh tế số; đề cao kỷ luật phòng, tránh dịch Covid-19, không để lây lan trong DN. Doanh nghiệp cũng cần cập nhập đánh giá tình hình kinh tế và thị trường đầu vào và đầu ra, có điều chỉnh thích hợp với biến động thị trường, tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và thị trường thay thế.
“DN cũng nên chuyển mạnh sang kinh tế số hóa, tham gia chuỗi giá trị với các đối tác trong và ngoài nước. Nâng cấp kết nối qua mạng, đầu tư trang thiết bị thích hợp; tận dụng quảng cáo, giao dịch qua mạng; thí điểm làm việc tại nhà đối với những công việc thích hợp; đào tạo, nâng cao kỹ năng đội ngũ người lao động”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Theo ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời gian qua, DN hoạt động trong lĩnh vực khác nhau, ứng dụng KHCN thực hiện đổi mới sáng tạo, mở ra những mô hình kinh doanh mới cải tiến phương thức tổ chức quản lý, tiếp cận thị trường tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới có chất lượng tốt.
Cũng theo ông Huy, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Nhà nước đã ban hành kịp thời nhiều chủ trương chính sách về lao động, về tín dụng, về thuế và cắt giảm các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin dự báo thị trường, làm lành mạnh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Trong khó khăn thách thức này thì đổi mới sáng tạo là yếu tố nổi bật để quyết định sự sống còn và cơ hội để định hướng kinh doanh sản xuất kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại DN. Do đó, ông Huy đề nghị, cần mạnh về thương mại điện tử để DN có thể hiểu sâu thêm về khách hàng của mình. Hạn chế tiếp xúc, đồng thời cung cấp thêm cho khách hàng những trải nghiệm mới, giá trị mới, những kênh phân phối mới giúp quản trị nội bộ giảm chi phí nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
“Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để kết nối DN với thị trường và khách hàng. Kết nối DN với trường đại học, với viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo để có thêm thông tin, để chia sẻ, hỗ trợ, đồng thời giúp khắc phục và vượt qua những khó khăn thách thức trước mắt”, ông Huy gợi ý.