Mưa lũ miền Trung: Oằn mình trong dòng nước dữ
7 ngày qua, mưa to khiến nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi ngập nặng. Cùng với những vùng trũng thì các huyện miền núi cũng bị lũ lụt tàn phá. Với Quảng Trị, hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông nước ào ào như thác. Còn tại Quảng Nam, huyện miền núi Nam Trà My lại thêm một lần người dân phải vật lộn với lũ.
Đường 9 nối vùng đồng bằng Quảng Trị tới biên giới Việt - Lào của tỉnh Quảng Trị là tuyến đường huyết mạch cũng đang chịu nhiều tổn thất. UBND huyện Đakrông đã phải có công văn hạn chế đi qua khu vực bị sạt lở tại km50+200 trên quốc lộ này.
Mưa lớn kéo dài khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Nước từ khe suối kéo theo đất đá đổ xuống gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, việc tiếp cận để thông tuyến gặp nhiều khó khăn. Tại vị trí này lại xuất hiện một vết nứt dọc theo sườn núi đầy đe dọa.
Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị): Nhiều thôn bản bị chia cắt, cô lập
Cho tới chiều 13/10, tại cầu tràn Đakrông (quốc lộ 15D, đoạn giáp ranh giữa xã Bung và xã A Ngo) vẫn ngập sâu trong nước. Người dân ở bản La Hót (xã A Bung) không thể vượt qua dòng nước xiết để đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông (cơ sở 2) tại xã Tà Rụt.
Chính vì thế, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phải túc trực để giúp đỡ người dân.
Công tác khắc phục sự tàn phá của mưa lũ ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông là rất khó khăn. Nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực để đến được với các thôn bản bị chia cắt, cô lập do mưa lũ gây ra phải trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm.
Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, huyện đã thành lập 2 trạm chỉ huy tiền phương ở khu vực Tà Rụt và Ba Lòng; trưng dụng thuyền máy của người dân để vận chuyển thực phẩm, nước uống, xăng dầu.
Đặc biệt, với xã A Bung, người dân ở bản Pire 1, 2 (bản mới sáp nhập vào xã A Bung từ xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế)… rất khó khăn.
Hiện số người chết, mất tích do mưa lũ tại Quảng Trị chưa thể thống kê đầy đủ vì tình hình vẫn rất phức tạp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực tìm kiếm người chết, mất tích.
Nhưng những ngày qua đã xảy ra những cái chết đau lòng. Anh Phạm Văn Nam (35 tuổi) và anh Lê Quang Hùng (28 tuổi, ngụ thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán để đi làm rẫy thì mưa lớn, nước dâng cao khiến đò bị lật nên cả 2 người bị nước cuốn trôi mất tích.
Ông Lê Bá Chương (63 tuổi, ngụ thôn Cutaka, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa) trên đường đi về nhà cũng bị nước cuốn trôi. Ông Hồ Văn Phơi (thôn Cu Dong, xã Húc, huyện Hướng Hóa) đi tháo nước ao cá trong vườn nhà thì bị nước cuốn trôi. Anh Trần Văn Hiệu trên đường vận chuyển máy móc từ hồ tôm về cũng bị nước cuốn trôi…
Nam Trà My (Quảng Nam): Cả taluy dương và taluy âm đều nguy cơ sạt lở
Mưa lớn những ngày qua liên tiếp trút xuống huyện vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Chị Nguyễn Thị Tâm hàng ngày chuyên buôn bán trên tuyến đường Trà Linh - Măng Lùng cho biết: “Tuyến đường Trà Linh đi Măng Lùng, ảnh hưởng mưa lũ của cơn bão số 5 đường sá sạt lở nặng nề chưa khắc phục xong, nay trận lũ mới sạt thêm hàng chục điểm, với hàng chục nghìn mét khối đất đá đổ xuống đường và taluy âm. Hiện nay giao thông bị gián đoạn chúng tôi không thể đi làm ăn được”.
Trong khi đó, tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn xuống làng Long Bok, ở thôn 3, xã Trà Mai có 1 khối đá to rơi xuống chiếm gần nửa lòng đường, gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến đường về các xã như Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Cang… nhiều nơi bị sạt lở, có nơi sạt lở rất nặng. Đất đá, cây cối ngổn ngang dưới lòng đường, trên taluy dương núi cao chót vót những nơi đã gây sạt lở núi, nguy cơ tiếp tục ập xuống bất cứ lúc nào, dưới taluy âm sạt lở sâu hoắm. Giao thông nhiều nơi bị ách tắc, chia cắt.
Không chỉ đường sá mà cả nhà ở của của người dân, trường học, trạm y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề, như nhà ông Hồ Văn Hoành (ở xã Trà Vân) bị sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tháo dỡ nhà và di dời.
Hay như tại xã Trà Mai, hộ ông Bùi Quốc Nguy, ông Võ Đức Nguyên cùng ở thôn 1 bị sạt lở đất sập nhà bếp, uy hiếp ngôi nhà chính.
Ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My nói: “Do ảnh hưởng của mưa lớn và cơn bão số 6 đã gây sạt lở 18 điểm trên địa bàn xã, với tổng chiều dài khoảng 12km, khiến giao thông bị chia cắt”.
UBND huyện Nam Trà My cho biết, Trường Mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân sạt lở taluy dương phía sau trường khoảng 900 m3. Trong khi đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học xã Trà Vinh cũng bị sạt lở taluy dương phía sau và bên hông trường khoảng 3.000 m3 đất đá.
Chưa hết, Trường Tiểu học ở thôn 1, xã Trà Vân và khu bếp ăn tập thể Trường THCS Trà Vân có nguy cơ sạt lở đất. Tường rào mặt sau Trạm Y tế Trà Don đất đá bị lở trôi sát tường.
Đã có hàng chục nhà dân bị sập, sạt lở bờ kè, đất đá tràn vào nhà, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân. Tại các vườn sâm Ngọc Linh tiền tỉ của người dân, cây cối ngã đổ xuống các luống sâm gây thiệt hại nhưng chưa thể thống kê được. Chỉ tính riêng nhà dân, thiệt hại ban đầu khoảng 460 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết: Hiện các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn trên địa bàn, huyện đã đưa phương tiện, lực lượng xung kích tiến hành dọn dẹp đất đá, cây cối ngã đổ để bà con tạm thời đi lại.
Công việc thống kê về tài sản, hoa màu, gia súc của người dân bị thiệt hại đang được tiến hành.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, UBND xã Trà Vân, Trà Nam, Trà Mai huy động lực lượng xung kích tháo dỡ di dời các nhà ở có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; vận động người dân di dời tài sản và con người đến nơi an toàn.
Huyện cũng đã chỉ đạo xã Trà Nam, yêu cầu chủ đầu tư dự án Thủy điện Đak Di 1,2 không để công nhân của nhà thầu phụ ở tại các lán trại tạm có nguy cơ sạt lở, đưa tất cả công nhân về nhà điều hành.
Tới nay, tuyến đường thôn 2, Măng Lùng - Trà Linh và tuyến đường Trà Vinh - Đak Ru bị sạt lở lớn chưa thể khắc phục được. Trường học trên địa bàn xã Trà Vân phải tổ chức di dời.
Riêng 10 hộ dân tại làng Tu Chân, thôn 3, xã Trà Cang đến nay đã khắc phục sạt lở và người dân đã về sinh sống.
Chiều tối ngày 13/10, bão số 7 đã mạnh lên với sức gió cấp 8 trở lên, khoảng 170 km tính từ tâm bão. Theo cơ quan KTTV, trong 24 giờ tới gió tiếp tục mạnh kèm theo mưa lớn, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 7 khiến biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An có nước dâng do bão cao 0,5 m.
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ hôm nay, ngày 14 đến ngày 16/10, đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Các nơi khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt.
K.Vy