Quyền lợi người tiêu dùng vẫn  bị xâm phạm: Ngại gõ cửa cơ quan công quyền

Minh Phương 14/10/2020 08:00

Từ đầu năm đến nay đã có gần 8.000 cuộc gọi của người tiêu dùng đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các sự vụ mà người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi. Con số này đã tăng mạnh so với 2011. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến.

Trong thời kỳ kinh tế số, quyền người tiêu dùng bị xâm phạm nhiều hơn.

Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số lượng cuộc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tại Bộ Công thương qua tổng đài 1800.6838 ngày càng tăng mạnh.

Nếu như năm 2011 tổng đài chỉ nhận được 26 cuộc gọi thì sau 9 năm hoạt động, năm 2020, tồng đài đã nhận được gần 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của NTD”. Các phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông...

Những con số nói trên cho thấy, NTD ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nếu như trước đây, khi quyền lợi bị xâm phạm, NTD còn khá e dè trong việc phản ảnh lại với cơ quan chức năng để được giải quyết, thì nay, họ đã chủ động hơn trong vấn đề này.

Chị Hoàng Tuyết Mai (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi khi mua phải những món đồ bị làm giả, làm nhái, chị cũng như nhiều bạn bè khác thường tặc lưỡi bỏ qua do ngại... va chạm, ngại gõ cửa cơ quan công quyền để giải quyết, với lý do mất thời gian, công sức thậm chí mất thêm của cải... Thì nay tư duy này đã được thay đổi.

“Chỉ cần nhấc máy điện thoại và bấm số là chúng tôi đã nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này. Điều này khác hẳn so với trước đây, khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm thì chúng tôi không biết kêu oan ở đâu. Hoặc nếu biết thì cũng rất ngại vì phải đến tận nơi để trình bày sự việc”, chị Mai cho biết.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống đã giúp nâng cao quyền của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của DN.

Con số khoảng 1000-1500 vụ việc khiếu nại được giải quyết trong một năm là một minh chứng cụ thể cho điều này. Tuy nhiên trên thực tế, con số này còn rất khiêm tốn so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.

Đáng chú ý, thời kỳ kinh tế số cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, việc thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị tiết lộ đang trở thành một nguy cơ khiến cho tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng có phần gia tăng.

Quả thực, không khó để một DN có thể mua được danh sách khách hàng với thông tin chi tiết từ số điện thoại, email, nơi ở, thông tin cá nhân... Các DN sử dụng những thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, và đã xuất hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo người tiêu dùng...

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, đã tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo.

Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ rồi nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ một vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.

Điều này cho thấy, dù đã có Luật liên quan đến các quyền lợi của người tiêu dùng song vẫn còn tình trạng vi phạm luật, thậm chí vi phạm một cách công khai và tinh vi hơn.

Giới chuyên gia nhận định, để giảm thiểu thực trạng này, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi DN cần phải nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ NTD.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống đã giúp nâng cao quyền của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của DN. Con số khoảng 1000-1500 vụ việc khiếu nại được giải quyết trong một năm là một minh chứng cụ thể cho điều này.

Minh Phương