Sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo
“Thương người như thể thương thân”- đó là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy được hun đúc từ trong suốt chiều dài lịch sử, với biết bao biến cố thăng trầm.
Thương người, đó cũng là nền móng để hình thành tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô địch của người Việt Nam. 20 năm qua, kể từ ngày 17/10/2000, UBTƯ MTTQ Việt Nam lần đầu tiên phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hưởng ứng tham gia cuộc vận động và lấy ngày 17/10 hằng năm làm ngày cao điểm của cuộc vận động; lấy thời gian từ ngày 17/10 đến ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 là “Tháng cao điểm vì người nghèo”; tới nay tinh thần vì người nghèo đã thấm sâu, lan tỏa trong toàn xã hội.
Năm nay, Ngày vì người nghèo, Tháng cao điểm Vì người nghèo diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt do tác động nặng nề đến từ đại dịch Covid-19.
Kể từ đầu năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, chúng ta đã buộc phải bước vào một cuộc chiến đấu gian nan chống lại dịch bệnh. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả nước căng mình đối chọi trước những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra. Nhiều biện pháp phòng, chống đã được áp dụng trên phạm vi cả nước.
1. Trong những tháng ngày đó, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Covid-19, hơn 100.000 khu dân cư của cả nước là hơn 100.000 pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến ấy. Trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chúng ta thở phào để có thể bắt tay vào khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng vào ngày 26/7, Đà Nẵng lại xuất hiện ca Covid-19 mới. Đất nước lại phải bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến đấu dập dịch vô cùng gian nan.
Còn nhớ, trong cuộc chiến đấu ấy, mỗi người cùng thao thức, cùng lo âu với những ổ dịch ở Hạ Lôi, Sơn Lôi, quán bar Buddha, tuyến phố Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai… Lo âu nhưng không hốt hoảng, các ổ dịch nhanh chóng được khoanh vùng cách ly; các hoạt động truy vết, xét nghiệm được triển khai rộng khắp, liên tục. Đặc biệt, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được tuân thủ một cách triệt để.
Dồn sức cho chống dịch, nên tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, đó cũng là tất yếu. Con số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngừng, tạm ngừng, giãn hoạt động tăng lên. Mức tiêu thụ hàng hóa trong nước giảm. Xuất khẩu gặp muôn vàn khó khăn. Số người thất nghiệp, tạm nghỉ việc tăng. Thu nhập của người lao động sụt giảm.
Vì thế, năm nay, việc hỗ trợ người nghèo được coi là mệnh lệnh của trái tim.
2. Sáng ngày 17/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố với 2.300 đại biểu dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang đứng trước những thời khắc hết sức quan trọng, đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 có quy mô toàn cầu. Những xáo trộn về tâm lý, nhịp sống và việc làm, sự suy giảm về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc tới từng người dân.
Tại buổi lễ, Thủ tướng nêu ra những gương tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Nhiều người sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang khan hiếm, phát miễn phí. Đặc biệt, có những cháu bé đã lấy tiền mừng tuổi của mình để mua sắm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người.
Cũng thật cảm động trước những hành động của người dân tham gia giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân một cách nhiệt tâm, vô tư, không hề toan tính, nghĩ ngợi. Những việc làm giàu ý nghĩa không đến từ tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ trái tim. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định trong những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất thì truyền thống tốt đẹp và bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam lại sáng rõ.
Tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính vì thế mà chúng ta hưởng ứng và hoan nghênh lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày hôm nay do đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn vừa phát động. Chúng ta cũng hoan nghênh, đánh giá cao sự hưởng ứng, chia sẻ, chung tay đóng góp nhiều hơn nữa của các nhà hảo tâm, của doanh nhân, văn nghệ sĩ, y bác sĩ, đại diện các tôn giáo, các nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, người lao động và tất cả các giới, các giai tầng trong xã hội đối với công tác phòng chống đại dịch”.
Thủ tướng nói: “Chúng ta kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng”.
3. Tại buổi lễ (ngày 17/3), ra Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Tiếp đó, ngày 2/8, phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các các tỉnh, thành phố trong cả nước về phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới địa phương sẽ tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, có được những thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 phải kể đến sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, phải kể đến tinh thần tương thân tương ái của nhân dân khi hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động.
Cho tới thời điểm này, khi Ngày vì người nghèo năm 2020 đã đến gần, càng thấm thía tinh thần tương thân tương ái của dân tộc; càng nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những quyết sách của Chính phủ, của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch đi cùng với những hành động cụ thể hỗ trợ người nghèo.
Khó khăn là khó khăn chung nhưng trong những tháng ngày gian nan này khi kinh tế vẫn chưa thể hồi phục mạnh mẽ thì những chủ trương, quyết sách xuất phát từ những trái tim nhân ái đã đem đến cho xã hội sự ấm áp, kết đoàn. Trong khó khăn, nhưng không người nghèo nào thiếu ăn thiếu mặc, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là sự ưu việt lớn lao của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được trong tình hình dịch bệnh hiểm nguy.
Thông tin tiếp nhận ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương
1. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản kho bạc: Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046 tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.
2. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản ngân hàng: Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương. Số tài khoản: 1000001000171717 tại Sở giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng KH-TC (109, 111), Văn phòng Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam: Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Số điện thoại: 02439288480.