Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội nhiều việc chậm chạp quá!
Nhận xét "Hà Nội có nhiều việc chậm chạp quá", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lãnh đạo Hà Nội phải có bản lĩnh, trí tuệ, có phương pháp và đặc biệt, phải đoàn kết, huy động sức dân.
Sáng 14/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thuộc tổ bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, tiếp xúc cử tri 3 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Quyết Thắng (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, thực tế nhiệm kỳ qua công tác nhân sự còn tồn tại như một số tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương đã có những chủ trương, hành động làm dậy sóng dư luận, để xảy ra những việc như thuốc chữa bệnh giả, tiêu cực trong đấu thầu trang thiết bị y tế, gian lận thi cử, rửa tiền hay chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước...
“Tuy chỉ là những trường hợp cá biệt được phát hiện kịp thời trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc này cũng cho thấy có lỗ hổng trong công tác nhân sự nhiệm kỳ qua. Từ đó, cần rút kinh nghiệm xương máu để làm tốt công tác nhân sự trong Đại hội XIII tới đây” - ông Thắng nói.
Cùng chung quan điểm, cử tri Đỗ Bá Quát (quận Ba Đình) cho rằng, chưa có giai đoạn nào công tác chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng, công phu như hiện nay.
Theo ông Quát, về lựa chọn cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành, tuy có tiêu chuẩn, quy trình đầy đủ, nhưng nhân dân mong muốn nhiều vấn đề. Trước hết là loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tham vọng cá nhân, tham vọng quyền lực, vì từ quyền lực sẽ “đẻ” ra các vấn đề khác. Ngoài ra, những cán bộ lôi kéo người nhà, người địa phương, người trong lợi ích nhóm vào làm việc cũng cần bị loại.
Với lựa chọn đại biểu Quốc hội, ông Quát cho biết, nhân dân mong mỏi khóa XV tới đây nên cơ cấu 50% đại biểu chuyên trách để họ chuyên tâm với công việc.
“Đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, các bộ, ngành khi họp Quốc hội vẫn 'nhấp nhổm' việc này, việc khác. Ngoài ra, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phải là người dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thực sự xứng đáng là người đại diện cho nhân dân”.
Về công tác phòng chống tham nhũng, theo ông Quát đây là giặc nội xâm, nhưng cần phân tích, đánh giá để đưa “giặc nội xâm” này vào đối tượng đấu tranh, không thể chỉ nói bên ngoài. Bên cạnh đó, cần làm rõ ở đâu, địa phương nào, địa bàn, lĩnh vực nào dễ xuất hiện tham nhũng để có biện pháp phòng, ngừa đủ mạnh. Phải có đối sách lấy phòng ngừa là chính, để không có giặc nội xâm. Muốn vậy, lò cần nóng hơn nữa để sắt thép "hạng sang" đưa vào lò cũng phải cháy chứ không chỉ có củi tươi.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi lại nhưng với tư cách là thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội, là công dân Thủ đô, chứ không phải trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Bởi theo ông, làm gì cũng phải đúng vai, nói phải đúng chỗ.
Ghi nhận hội nghị tiếp xúc cử tri lần này có nhiều điểm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt quốc gia, là đầu não kinh tế, chính trị, có lịch sử nghìn năm văn hiến anh hùng, không nơi nào có được. Vì thế, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Nội là phải làm thế nào để xứng đáng với vị trí, vai trò ấy. Như lời Bác Hồ từng nói "Hà Nội phải làm gương cho cả nước, để cả nước trông vào học tập”.
Đánh giá về Đại hội Đảng bộ Hà Nội vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng đã có gương mặt cũ và mới, có kế thừa và kỳ vọng với nhiều nhân sự mới Hà Nội sẽ có bước phát triển mới tốt đẹp hơn.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế, uy tín như ngày nay. Nói vậy không phải tự kiêu mà với tất cả sự khiêm tốn. Trước kia 25 triệu dân nhưng có 2 triệu người chết đói. Cũng ruộng đất ấy song làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, nhà cửa lụp xụp, đường sá nhếch nhác nhưng đến nay không những làm đủ ăn mà còn xuất khẩu ra nước ngoài mấy chục tỷ đô la. Còn Hà Nội thì cũng chưa bao giờ có quy mô lớn như hiện tại với dân số đông, tập trung tinh hoa trí tuệ nhất của cả nước” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói và yêu cầu làm sao xứng đáng với vị thế của đất nước và phải là tiêu biểu cho cả nước, để cho thế giới trông vào, và các địa phương học tập.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng nói đến Hà Nội là nói đến thanh lịch, quy hoạch quản lý đô thị, trật tự an ninh, văn hóa. Kinh tế cũng quan trọng nhưng Hà Nội là nhắc đến vấn đề văn hóa, chính trị, nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô. Con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch nhưng lại dũng cảm, kiên cường.
Chia sẻ sự cảm thông với Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, “làm ở Hà Nội khó” khi Thủ đô là trung tâm đầu não, tất cả các cơ quan lớn nhỏ, các trường Đại học, Viện nghiên cứu lớn hay Đại sứ quán các nước đều đóng ở đây. Chưa kể người dân khắp nơi đổ về. Bởi vậy quản lý đô thị là vấn đề rất khó.
“Hà Nội thường bị chê là chậm và chậm thật, nhiều việc chậm chạp quá. Sông Tô Lịch bao nhiêu năm giờ vẫn đen ngòm, bãi rác Nam Sơn mãi bao nhiêu năm chưa thể giải quyết. Rất nhiều cái trì trệ, đường trên cao nhắc mãi, số 8B Lê Trực xây quá tầng mãi không phạt được, giải phóng mặt bằng ông nào cũng cậy quyền cậy thế không chịu đi. Tôi nói vui tại Đại hội Hà Nội là 'Hà Nội không vội được đâu'. Xin lỗi hơi mỉa mai nhưng cái gì không định làm thì mang ra bàn. Ý kiến khác nhau khó kết luận. Bao nhiêu việc lớn nhỏ, nói được lòng đất thì mất lòng đò. Nghe tất cả mà không thống nhất thì không làm được” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu thực tế và cho rằng cần chia sẻ khó khăn với Thủ đô.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, làm lãnh đạo Hà Nội phải có bản lĩnh, trí tuệ, có phương pháp và đặc biệt, phải đoàn kết, huy động sức dân. Dân đoàn kết thì mới làm được. Kinh tế là quan trọng song so với các mặt khác, Hà Nội cần mạnh hơn nữa, nhất là quy hoạch quản lý xây dựng đô thị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng kỳ vọng, sau thành công của Đại hội XVII, Đảng bộ Hà Nội sẽ cùng nhau góp sức, thực hiện bằng được nghị quyết đề ra, để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của cả nước, bộ mặt quốc gia.