Không né ‘sạn’
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải khẳng định thực chất một bộ SGK lần đầu không thể không có lỗi, nhưng lỗi nhiều hay ít, có quan trọng hay không. Bây giờ nếu có sai sót thì phải thừa nhận, quan điểm ở đây là phải nhặt “sạn”, rút kinh nghiệm.
Sáng 14/10, tiếp tục phiên họp thứ 49- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa (SGK) tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng SGK trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại.
Đóng góp ý kiến về các báo cáo tổng hợp trình bày tại phiên họp này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu việc những ngày qua, dư luận bức xúc cho rằng bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nhiều “sạn”.
Tại cuộc họp, các ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này ra sao, có chặt chẽ không mà để xảy ra nhiều lỗi?
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thông tin, ngày 15/10, Ủy ban sẽ có báo cáo gửi tới Thường vụ Quốc hội về các vấn đề của giáo dục – đào tạo, trong đó có nội dung dư luận đang quan tâm về bộ SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều.
Xung quanh câu chuyện SGK lớp 1, ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia những ngày qua, các ý kiến đều cho rằng không nên bỏ qua “sạn” trong SGK lớp 1 đã được chỉ ra.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, các bộ sách lớp 1 mới (trong đó có bộ sách Cánh Diều) đều đã được HĐTĐ do Bộ GDĐT thành lập tiếp thu, nghiên cứu. Cuối cùng, Bộ mới quyết định ban hành SGK. Và khi ban hành xong, còn phải tổ chức tập huấn cho giáo viên…
Do đó, bây giờ khi phát hiện ra sai sót chỗ này, chỗ kia thì vấn đề quan trọng là cách xử lý như thế nào? Hiện nay, nhiều người dùng đánh giá là tốt, có người cho rằng có “hạt sạn” thì ta nhấc “hạt sạn” đó ra chứ không nên có quan điểm “con sâu làm rầu nồi canh”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, đối với giáo dục, cái gì chưa được thì có thể khắc phục bằng cách là có văn bản và sửa đổi những chỗ sai đó.
Đồng quan điểm này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải khẳng định thực chất một bộ SGK lần đầu không thể không có lỗi nhưng lỗi nhiều hay ít, có quan trọng hay không. Bây giờ nếu có sai sót thì phải thừa nhận, quan điểm ở đây là phải nhặt “sạn”, rút kinh nghiệm.