Thao thức mùa bão rớt

Hà Trọng Nghĩa 16/10/2020 07:45

Người ta nói rằng do tác động của biến đổi khí hậu, những tháng cuối năm mưa bão dịch chuyển từ Bắc vào Trung. Độ này, miền Trung đang phải chống chọi với mưa lũ. Một dải từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, hơn 10 ngày qua mưa không ngớt. Ở Huế, kể từ năm 1983 đến giờ, năm nay là năm mưa to nhất.

Phố cổ Hội An ngày mưa bão.

Mưa Huế thật lạ, lê thê, vắt từ đêm sang ngày. Nhưng cũng thật hiếm có đợt mưa như lần này. Khu vực thành nội mạn Tây Lộc dân phải chất đồ đạc lên thuyền, rồi đẩy đi. Nước sông Hương, sông Bồ lên cao. Phú Vinh, Bao Vinh vốn lành là thế cũng không thoát khỏi nạn nước lên. Đoạn sông Hương đổ ra cửa Thuận An nước cũng lai láng.

Nhưng không chỉ có Huế, mà nhiều đô thị miền Trung đợt này cũng bị nước tấn công. Phố cổ Hội An nước đầy. Cửa Đại nước đầy. Sông Hoài không còn nhìn thấy đâu là bờ.

Lui vào trong, Tam Kỳ cũng lại những nước là nước.

Đó là nơi đô thị phố phường, gọi là vùng trũng. Còn những nơi sơn cước thì sao?

Ở Hà Tĩnh, Hương Khê là huyện miền núi nhưng suốt những năm qua lại bị coi là “rốn lũ”. Năm nào cũng thế, mưa lũ đến là người dân lại phải đưa những chiếc thuyền treo cao xuống để chuẩn bị chạy lũ. Ai đã từng đến Hương Khê vào mùa hè sẽ cảm nhận một cách sâu sắc về cái nắng, cái gió. Nắng gay gắt như nung. Hiệu ứng phơn Tây Nam như đốt da người. Không khí đặc quánh. Ấy vậy mà vào những tháng cuối năm, mùa bão rớt, huyện miền núi này lại thừa thãi nước - nước trên trời trút xuống từ những trận mưa kéo dài tưởng chừng không bao giờ dứt.

Khi mà “bụi Trường Sơn ào ào lá đỏ”, ai đã từng đứng trước dòng Sê San, dòng Sêrêpôk đều cảm nhận sự hùng vĩ nhưng cũng rất hung tợn của những dòng sông Tây Nguyên. Nước cuồn cuộn chảy, lớp sau đè lớp trước trong sự kì vĩ của sức mạnh thiên nhiên vô địch. Nhưng rồi, mùa khô đến. Những con sông tràn trề nước lại cạn khô, người dân đi tìm nước phải đào cả hố ngay trong lòng sông. Nhưng rồi những trận mưa bão cuối năm ập tới, những dòng sông bất chợt hung hiểm. Những buôn làng Cao nguyên lại chìm trong nước…

Trong những tháng ngày vất vả mùa lũ, chúng tôi từng lang thang qua những thôn bản miền núi cao phía Bắc. Suốt từ Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai… người dân thấp thỏm lo lũ quét, lũ ống. Thật xót xa trong buổi chiều sương giăng mờ mịt phải đứng nhìn cảnh tan hoang một bản vốn bình yên đã bị xóa sổ chỉ bởi một trận lũ.

Lũ đi qua, người lớn thì lo dựng lại nhà, còn lũ trẻ thì đem sách vở ra phơi trên những phiến đá.

Năm 2020 này không chỉ có dịch Covid-19 mà còn có sự khốc liệt của thiên nhiên. Ngay từ đầu năm Nam bộ đã lo triểu cường, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Phía Bắc lo mưa đá, sương muối. Và rồi cuối năm rồi vẫn chưa yên. Đã hơn 10 ngày mưa trút xuống miền Trung. Bão số 7 tuy đã suy yếu thành áp thấp nhưng mưa vẫn trút xuống cả miền Bắc cho tới Bắc Trung bộ. Nước các dòng sông lên nhanh. Hồ đập thủy điện, thủy lợi lại lo vỡ nên phải xả nước. Mối lo kép cứ lớn dần, lo mưa và lo xả lũ.

Mùa bão rớt năm nay đến khi mà người dân gặp rất nhiều khó khăn vì vừa trải qua hai đợt chống chọi căng thẳng với Covid-19. Con số người chết, người mất tích ở miền Trung vẫn chưa dừng lại. Chiến dịch cứu nạn với Thủy điện Sông Trăng 3 cũng vẫn tiếp tục. Ai còn? ai mất? mỗi giờ qua đi là một giờ thao thức, ngóng tin.

Phải chăng do biến đổi khí hậu mà chúng ta chấp nhận tổn thất như một định mệnh? Không, không thể như thế. Phải có cách để thoát khỏi hiểm nguy khi con người không thể xoay chuyển được thiên nhiên. Mỗi khi mưa bão đến, cùng với những cảnh báo, những chỉ đạo thì cũng rất cần một giải pháp căn cơ, dài hơi mà không chỉ là giải pháp tình huống. Ở Quảng Bình, cũng là nơi nhiều ngập lụt vào mùa mưa bão, địa phương đã làm những nhà bè chống lũ. Nó nổi nênh trên con nước dữ giúp rất nhiều người thoát qua được lúc hiểm nghèo. Và còn nhiều hơn nữa những ngôi nhà tránh bão khắp dải miền Trung. Ở Tây Nam bộ là những khu dân cư vượt lũ. Ở miền núi phía Bắc nhiều hộ dân được cấp đất dựng nhà mới dời xa bờ suối bờ sông.

Không có gì là định mệnh nếu chính quyền từng địa phương vào cuộc lo cho dân. Lo cái lo của dân, lo trước tai họa đến với dân đó là trách nhiệm và cũng là tấm lòng của người làm cán bộ. Không đợi lũ đến, càng không đợi khi sạt lở đất đá vùi chôn những con người vô tội.

…Người ta nói rằng do biển Cửa Đại bị sạt lở nên khi mưa lớn nước ngập Hội An. Nếu điều đó là đúng thì lý gì không khắc phục được? Hôm rồi, nhìn những tấm hình người dân Hội An dọn dẹp nhà cửa, lòng lại day dứt. Một đô thị quý giá là vậy, những ngôi nhà như từ quá khứ hiện về chẳng lẽ lại bị hủy hoại bởi ngày hôm nay.

Nghĩ về Phố cổ Hội An như một hoài niệm cũng là thao thức trong những ngày bão rớt. Lòng những ngổn ngang.

Hà Trọng Nghĩa