Dân cần nhưng quan chưa vội
Tại buổi đối thoại giữa chính quyền thành phố Cần Thơ với các doanh nghiệp trên địa bàn mới đây, doanh nhân đã “tố” lãnh đạo một số sở, ngành “ngâm cứu” hồ sơ dự án tới 3 tháng khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng.
Công ty Xăng dầu Tây Nam bộ đã vô cớ phải trả oan tới 1,5 tỷ đồng tiền lãi, do bị cơ quan chức năng của TP Cần Thơ “om” hồ sơ dự án. Giả sử như các sở, ngành của TP Cần Thơ bị quá tải nên không kịp giải quyết cho doanh nghiệp đã đành, song lý do để “hành” doanh nghiệp lại hết sức trái khoáy: Lãnh đạo sở phải đi... học quân sự. Lẽ nào sở, ngành của TP Cần Thơ chỉ có một lãnh đạo? Hay tất cả lãnh đạo đều học quân sự?
Việc lấy lý do đi học quân sự để không giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là không thể chấp nhận được. Chỉ vì cá nhân lãnh đạo sở “bận” mà bắt doanh nghiệp phải trả tới 1,5 tỷ đồng tiền lãi là việc làm thiếu trách nhiệm đến mức vô cảm. Nếu như ở một số nước khác, doanh nghiệp sẽ kiện và người “dây dưa” không giải quyết hồ sơ dự án sẽ phải “đền ốm”. Tiếc là ở ta chưa có quy định đó.
Buồn ở chỗ, trường hợp bị “hành là chính” như doanh nghiệp ở Cần Thơ lại không phải là cá biệt, hiếm gặp. Thực tế, ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng có không ít doanh nghiệp bị “ngâm cứu” hồ sơ dự án tới vài tháng, thậm chí cả năm với cả tỷ lý do khó chấp nhận được. Song, ai cũng biết lý do chính yếu nhất khiến doanh nghiệp bị các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chậm trả kết quả là vì thiếu... bôi trơn.
Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, môi trường đầu tư trong những năm qua dù đã có chuyển biến tích cực, song vẫn đáng lo ngại với phí bôi trơn. Theo báo cáo thường niên về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của VCCI, có tới 53,6% doanh nghiệp phải trả những khoản phí không chính thức. Điều đó có nghĩa hơn một nửa số doanh nghiệp đã phải chi phí lót tay, bôi trơn.
Làm sao có thể không lót tay, bôi trơn các “cửa”, khi mà hồ sơ của các doanh nghiệp có được giải quyết hay không, nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cá nhân thực thi công vụ giải quyết thủ tục hành chính? Trên thực tế, một số ít doanh nghiệp dám ngang ngạnh “thi gan” không nộp phí bôi trơn đã bị “ngâm cứu” hồ sơ rất lâu, “hành” chạy tới chạy lui vì “thiếu giấy tờ”, thậm chí còn bị “bác” hồ sơ dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải xây dựng Chính phủ kiến tạo, hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song, có vẻ như chỉ đạo của Thủ tướng không thấm được vào lãnh đạo một số địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn thường xuyên diễn ra ở không ít địa phương khiến các doanh nghiệp lao đao, khốn đốn. Và để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chi phí lót tay, bôi trơn cho được việc.
Doanh nghiệp phải chi các khoản phí không chính thức đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ phải tăng lên, người tiêu dùng sẽ gánh chịu. Đó là trong trường hợp người tiêu dùng còn có thể “kham” được giá cả sản phẩm của doanh nghiệp. Đến một chừng mực nhất định, khi giá sản phẩm của doanh nghiệp trong nước quá đắt đỏ so với giá hàng hóa ngoại nhập, doanh nghiệp sẽ bị quay lưng và sẽ bị phá sản.
Ở bất cứ quốc gia nào, cộng đồng doanh nghiệp cũng là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ, đóng góp của các doanh nghiệp chiếm tới hơn 60% GDP cả nước. Vậy nếu doanh nghiệp “ốm o”, “bệnh trọng”, rồi phá sản hàng loạt thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tới nền kinh tế đất nước, chắc chẳng cần nói ai cũng biết. Đó là lý do Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp.
Song, vốn chưa có chế tài cho việc “ngâm cứu” hồ sơ doanh nghiệp lâu nên các cán bộ, công chức, viên chức thực thi cộng vụ chẳng có gì phải sợ cả. Chỉ khi bị bắt quả tang nhận hối lộ của doanh nghiệp mới bị khởi tố điều tra, còn không có bằng chứng nhận phí bôi trơn thì hòa cả làng. Mà đã không có chế tài để sợ, doanh nghiệp lại “ương bướng” không chịu chi lót tay, có lý gì mà không “củ hành”, sách nhiễu?
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, nếu kèm theo quy định là chế tài nghiêm khắc thì có lẽ chẳng ai dám “giỡn mặt” cả. Ví dụ, quy định giải quyết loại hồ sơ A chỉ được phép 1 tháng, giải quyết loại hồ sơ B chỉ được phép nửa tháng, cá nhân, tổ chức nào để quá hạn sẽ lập tức bị kỷ luật, cách chức, thậm chí buộc thôi việc. Lúc đó, liệu có ai dám “ngâm cứu” hồ sơ của doanh nghiệp lâu hơn quy định với những lý lẽ thiếu thuyết phục hay không? Tin rằng, lúc đó sẽ hết thực trạng: Dân có cần nhưng quan chưa vội!