Khi nông dân sản xuất công nghệ cao
Hỏi về mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Đăng Quý tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) ai cũng biết.
Những ngôi nhà kính mọc lên san sát đã làm thay đổi diện mạo cả khu đất mà trước đó vài năm bị bỏ hoang do canh tác không hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông quanh năm gắn bó với ruộng đồng, anh Nguyễn Đăng Quý hiểu được những vất vả của người nông dân. Đầu những năm 2000 cả hai vợ chồng đã quyết định đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) và làm việc trong một trung tâm rau sạch theo mô hình của Nhật Bản.
Tại đây, chứng kiến hiệu quả của mô hình trồng rau sạch hữu cơ, khiến cho niềm đam mê nông nghiệp của cả hai vợ chồng trỗi dậy, từ đó hai vợ chồng ấp ủ dự định sau này trở về quê hương xây dựng kinh tế từ mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao.
Sau thời gian xuất khẩu lao động, hai vợ chồng anh Quý mày mò nghiên cứu từng công đoạn trong quy trình sản xuất rau hữu cơ công nghê cao, từ làm đất đến sử dụng các vi chất để chăm sóc rau đều được vợ chồng anh ghi chép cẩn thận. Hơn chục năm làm rau sạch tại Đài Loan, cả hai vợ chồng đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá từ các kỹ thuật chọn giống, thời điểm canh tác, khí hậu thổ nhưỡng, cách trị sâu bệnh.
Khi nghe tin Nhà nước có những chính sách về dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, vợ chồng anh Quý nhận thấy đây là cơ hội tốt để trở về quê hương thực hiện dự định phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2017, với số vốn tích cóp được trong quá trình lao động tại nước ngoài, với 3 sào ruộng ban đầu của gia đình dần dần anh chị mở rộng bằng việc thuê lại diện tích đất canh tác kém hiệu quả của các hộ dân xung quanh. Đến nay trong tay gia đình anh Quý đã có trên 13 mẫu đất phục vụ canh tác nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, nhờ làm tốt mô hình này mà mỗi ngày gia đình anh Quý thu hoạch 2 tạ rau sạch; 5-7 tạ đu đủ, trở thành mô hình mẫu trong phát triển kinh tế tại đia phương. Hiện nay, cơ sở sản xuất rau sạch của gia đình dưới sự hỗ trợ của phòng kinh tế huyện đã ký hợp đồng cung cấp rau sạch cho nhiều trường học đóng trên địa bàn.
Hiện gia đình anh Quý còn sở hữu 8 mẫu măng tây, 2,5 mẫu hẹ và 3 mẫu rau xanh mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 14 lao động với lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Theo anh Quý, hiện nhu cầu về các sản phẩm sạch hữu cơ ngày càng cao là tín hiệu vui với những người nông dân sản xuất nông sản hữu cơ. Các sản phẩm rau hữu cơ của gia đình anh đã được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định.
Chính vì vậy, mà ngày càng nhiều hộ nông dân tìm đến cơ sở của vợ chồng anh Quý để học hỏi kinh nghiệm. Anh chị cũng trực tiếp đi dựng nhà giàn và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều hộ dân trong vùng. Đây có thể coi là một hướng đi mới, giúp người nông dân phát triển kinh tế.