Tiếp sức cho nền kinh tế

Thuý Hằng 16/10/2020 09:00

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, “tiếp sức” cho nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tổn thương bởi Covid-19, các chính sách, các gói hỗ trợ được đưa ra. Tuy nhiên, tiếp cận các gói hỗ trợ không dễ.

Doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ để tiếp lực vượt qua khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn phải “chi ngay” những khoản tiền liên quan nguyên liệu, nhân công, chi phí hành chính hàng ngày nhưng nguồn thu vào bị đứt đoạn khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) không biết xoay sở ra sao. Trong khi đó, trả lời về việc hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn Covid-19, nhiều DN cho biết chỉ nghe trên báo đài ngoài ra không biết gì hơn.

Khó tiếp cận

Suốt thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực đưa ra giải pháp tiếp lực gỡ khó cho sản xuất - kinh doanh.

Ấy vậy nhưng, anh Nguyễn Hoàng Quý - Giám đốc Công ty May thêu Hoàng Quý (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) nói, điều kiện để được hỗ trợ là là số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi DN tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc DN bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.

“Đáp ứng được các điều kiện để hỗ trợ như vậy quá khó. DN tôi là DN siêu nhỏ, lao động độ 10 người, khi đơn hàng thêu dệt ít đi thì giảm giờ làm, cả chủ và người lao động xác định lương ít đi. Chứ chẳng cho công nhân nào nghỉ việc hẳn” - anh Quý nói.

Theo vị giám đốc xưởng may thêu, DN không nằm diện được hỗ trợ nên cũng chẳng tìm hiểu nhiều về gói hỗ trợ.

Trong khi đó, ngày 15/10, nhóm nghiên cứu của trường Đại học kinh tế Quốc dân đưa ra một kết quả từ cuộc khảo sát 450 DN tại Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa đối với 6 lĩnh vực ngành nghề; du lịch; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm, dệt may; công nghệ thông tin; logistics cho thấy: Khoảng 80% DN không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nguyên nhân chính là do DN không đáp ứng các điều kiện để nhận hỗ trợ như không rõ ràng xác định đối tượng, các thủ tục minh chứng tài chính phức tạp... Thêm nữa, thông tin không minh bạch gây khó khăn cho việc làm thủ tục nhận hỗ trợ.

Kết quả điều tra ghi nhận, tỷ lệ DN lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với DN nhỏ. Một số gói hỗ trợ như gói “đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất khẩu” và “vay không cần tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động” có tỷ lệ nhận hỗ trợ là 0%.

Con số đang chỉ ra thực tế, chính sách ở trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất. DN vẫn phải tự gồng mình vượt qua bão dịch.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng thẳng thắn nói, hiệu quả của gói hỗ trợ lần 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe DN và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.

Thống kê từ Bộ LĐTBXH, tính đến ngày 10/8, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đánh giá chung, việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành nhưng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giải ngân được 17.500 tỷ đồng, bằng gần 30% của gói 62.000 tỷ đồng.

Số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ là người lao động còn ít so dự kiến ban đầu. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại DN 15.909 người, chỉ đạt 1,59% so dự kiến ban đầu là một triệu người. Còn hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, số lượng hộ kinh doanh do UBND cấp xã gửi Chi cục Thuế đề nghị thẩm định là 30.964 hộ, chỉ đạt 4,07% so với dự kiến ban đầu là 760.000 hộ.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức một cách thiết thực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Cần ưu tiên cho doanh nghiệp quy mô nhỏ

Giới chuyên gia cho rằng, các DN kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các gói: tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí, giảm hoạt động thanh tra của các cơ quan chức năng… Song để các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với DN phát huy hiệu quả, trước tiên cần hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tập trung hơn vào các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi.

Gói hỗ trợ tài khóa khóa tiếp tục miễn, giảm thuế phí, giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm các chi phí hạ tầng,

Các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, tuy nhiên cần ưu tiên hơn nữa các DN có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này.

Hướng tới gói hỗ trợ lần 2, Chính phủ cần phân loại, đánh giá, lựa chọn DN để hỗ trợ. Chú trọng hỗ trợ các DN thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, quy mô gói hỗ trợ đợt 1 khoảng 3% GDP, mới giải ngân được khoảng 30% là không hiệu quả. Vì vậy khi triển khai gói hỗ trợ lần 2 cần tính kỹ hơn dựa trên nguyên tắc thời gian triển khai không quá ngắn, phải có độ bao phủ đủ lớn liên quan đến lực lượng lao động không chính thức.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, đại dịch Covid-19 vẫn còn nan giản, vì thế riêng trong năm nay nên phải chú ý đến lĩnh vực nông nghiệp, đến 1 bộ phận kinh tế phi chính thức là 5 triệu hộ gia đình. Đó là những lực lượng giúp cho nền kinh tế chống chọi với các tác động của Covid-19.

Ngày 15/10, nhóm nghiên cứu của trường Đại học kinh tế Quốc dân đưa ra một kết quả từ cuộc khảo sát 450 DN tại Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa đối với 6 lĩnh vực ngành nghề; du lịch; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm, dệt may; công nghệ thông tin; logistics cho thấy: Khoảng 80% DN không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Thuý Hằng