Kiên Giang: Phát triển bền vững kinh tế biển
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Kiên Giang cần tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo NQ 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch.
Sáng ngày 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo khai mạc đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng tham dự Đại hội có 342 đại biểu đại diện cho trên 59.590 đảng viên toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, dân, quân trong tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.504 USD năm 2020 (gấp 1,45 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng.
Chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Đảng bộ và chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã phát huy thành quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các mặt..." Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói.
"Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về KTXH đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm 3 đột phá chiến lược, các tiềm năng lợi thế như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển được khai thác, phát huy tốt hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế..".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhất trí với Chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, các nội dung đã nêu trong Báo cáo chính trị, đồng thời nhấn mạnh: “Để đạt được những mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa, có quyết tâm rất cao, tạo bước đột phá để phát triển; cùng nhau phát huy tinh thần, hun đúc ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng đưa Kiên Giang trở thành một tỉnh khá của cả nước trước năm 2030.”
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ tới cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng: Trước hết cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên, tiềm năng về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tập trung xây dựng và quản lý tốt quy hoạch tổng thể không gian phát triển của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng, của quốc gia (trên cơ sở định hướng phát triển của Trung ương, Nghị quyết 120 của Chính phủ) với định hướng phát triển cụ thể cho từng vùng, từng khu vực, từng ngành sản xuất, kế hoạch phân kỳ thực hiện hàng năm, phù hợp với tiềm lực của tỉnh, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Về nông nghiệp, Kiên Giang cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo NQ 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh cần nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế (thời gian qua công nghiệp của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa cao, trong khi còn dư địa có thể phát triển tốt hơn). Cần có chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách và an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Là một tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, cùng với việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, tỉnh cần chú ý kết hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với đặc thù của địa phương (an ninh biên giới, vùng biển); xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết trấn áp và triệt xóa tội phạm có tổ chức
Tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Dịp này Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang cũng kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ.