Chân dung những người mẹ Việt qua ống kính nhiếp ảnh gia Trần Hồng
Những bức ảnh xúc động của nhiếp ảnh gia Trần Hồng chụp những người mẹ Việt Nam đau đáu chờ con đang được trưng bày trong khuôn khổ sự kiện “Mẹ và Trái tim người lính”.
Chuỗi sự kiện “Mẹ và Trái tim người lính” khai mạc ngày 16/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nổi bật trong chuỗi sự kiện này là triển lãm “Mẹ” giới thiệu các bức ảnh của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng.
Triển lãm có ba nội dung chính: Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ, Mẹ - khoảnh khắc đời thường và Tự hào những người mẹ Việt Nam, giới thiệu 90 bức ảnh gắn với nhiều miền ký ức, cảm xúc của tác giả về những người mẹ với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm.
Triển lãm là tập hợp những mảnh ghép đa sắc về các mẹ, tạo nên bức chân dung về người Phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương. Mỗi chúng ta khi ngắm nhìn những bức ảnh trong triển lãm, đâu đó sẽ thấy bóng dáng chính những người mẹ, người bà của mình.
Nhiếp ảnh gia Trần Hồng có một bức ảnh xúc động đến ám ảnh chụp Mẹ Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Trong bức ảnh, một mình Mẹ ngồi lặng lẽ bên bát hương thờ chín người con trai, khuôn mặt kiên định vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. Đã bao năm trôi qua, Nghệ sĩ Trần Hồng vẫn nhớ lời mẹ: “Chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”.
Triển lãm cũng trưng bày bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh, Hòn Ðất, Kiên Giang cách đây hơn 30 năm. Ông nói đây là bức ảnh đã để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất: "Mẹ có bảy người con đều là liệt sĩ. Hai lần đầu, nhìn thấy tôi mặc quân phục, mẹ tưởng như con mình đã về, mẹ khóc, tôi khóc, không thể nào chụp được. Đến lần thứ ba, tôi dừng lại thật lâu ngoài ngõ, nhìn vào căn nhà đơn sơ, nhẹ nhàng nâng máy và đó là một trong những ảnh tôi thích nhất".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, 71 tuổi, ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1968, ông nhập ngũ trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nhiếp ảnh của Trường Đại học Báo chí, ông về công tác tại báo Quân đội nhân dân.
Hơn 40 năm trong nghề, ngoài đề tài người lính, ông còn dành đam mê cho chủ đề người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Bởi với ông, người mẹ nào dù trong chiến tranh hay ở thời bình đều vĩ đại và đáng được tôn vinh. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính.
Tác giả cho biết ông muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam, những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu. Sau triển lãm, tác giả sẽ trao tặng 90 bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các Mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ sau.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhận xét những bức ảnh trong triển lãm là tâm huyết của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, có sức mạnh lay động trái tim của tất cả mọi người.
“Đó là những khoảnh khắc chân thực, tự nhiên, không dàn dựng, không cường điệu, thể hiện cả nỗi đau và sự lạc quan, hy sinh và khí phách của những người phụ nữ Việt Nam”, bà nói.
Cũng trong lễ khai mạc triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận hàng trăm kỷ vật của các cá nhân là những người lính năm xưa nơi chiến trường bao gồm: Nhật ký, ảnh, bưu thiếp, đồ dùng cá nhân… cùng với rất nhiều những lá thư tay về tình yêu do chính họ hoặc người thân lưu giữ lại.
Những hiện vật này sẽ giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu về thời kỳ kháng chiến tại Bảo tàng và sẽ được khai thác cho các triển lãm, trưng bày và hoạt động giáo dục trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Bảo tàng cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ Trái tim người lính để gìn giữ những giá trị nhân văn, giá trị lịch sử liên quan đến mọi mặt đời sống tinh thần của người lính cùng hậu phương của họ.
Theo đó, hai đơn vị sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh”, chuẩn bị cho việc xuất bản những cuốn sách cùng tên “Trái tim Người lính” và tổ chức các sự kiện gặp mặt đồng đội.
Câu lạc bộ do Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sáng lập, hiện có trên 6.000 thành viên, hầu hết là các Cựu chiến binh. Mục đích không chỉ để kết nối các cựu chiến binh mà còn hướng tới đối tượng là những người trẻ mặc áo lính, hậu phương của những người lính và tất cả những người yêu hòa bình trên khắp thế giới.