Nhớ những ngày 'Điện Biên Phủ trên không' ở Hà Nội

Phan Thu Hương 17/10/2020 09:00

LTS: Sau 4 năm đàm phán, Hội nghị Paris vẫn bế tắc, Tổng thống Nichxon ra lệnh cho không quân Mỹ trở lại ném bom miền Bắc nhằm gây sức ép cho Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại cuộc đàm phán. Hình ảnh “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội mùa hè 1972 được gợi lên sinh động qua những trang nhật ký của một cô giáo. Tinh hoa Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nhân kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2020).

Lực lượng phòng không Hà Nội trực chiến trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", Hà Nội tháng 12/1972.

Ngày 21/4/1972

Hà Nội vào hè.

Nắng mới nhuộm vàng cả thành phố. Tất cả như mới mẻ, rực rỡ dưới vòm trời biếc xanh. Mọi nhà đã và đang tiễn biệt nhau. Cảnh chia ly đến với mọi gia đình không báo trước. Những trẻ em ngơ ngác vì lần đầu tiên được lên ô tô. Có những em ngây thơ vui thích khi mẹ bảo “đi sơ tán”! Nhưng trùm lên tất cả là tấm lòng của bà mẹ. Những người mẹ đã thao thức suốt đêm lo mua gạo, thức ăn bằng tem phiếu còn lại trong tháng, lo cái kim sợi chỉ cho con gáí, cái quần đùi cho con trai và cả ống sáo trúc của nó nữa. Khu nhà thường ngày ồn ào, khắp ngõ ngách đều vang lên tiếng trẻ nô đùa, tiếng học sinh lớp 7 và lớp 10 vào mùa thi, bỗng chốc trống vắng lạ lùng. Thế mới biết ở đâu có tiếng trẻ em là ở đó có sự sống!
7 giờ tối có báo động! Những người son rỗi kéo vào hầm trú ẩn. Khu tập thể chúng tôi ở ngõ Lý Thường Kiệt vốn đoàn kết, nay càng thân thiết hơn. Vừa nghe ngóng máy bay cướp đêm, các bà mẹ thường ngày vẫn la mắng con, bây giờ giọng trầm xuống, thì thầm nhắc lại những trò chơi ngộ nghĩnh thơ ngây của chúng mà thường ngày mẹ không thấy đó là niềm vui, là hạnh phúc.

Ngày 22/4/1972

Mênh mông quá. Khu tập thể chúng tôi chỉ hơn vài chục gia đình trong hai dãy nhà một trệt một lầu chật hep xây từ thời Pháp thuộc. Một hơi thở mạnh, một động tĩnh nhỏ ở nhà này, nhà khác cũng nghe. Thế mà hôm nay nó rộng thênh thang và nghiêm trang như một khu chùa cổ. Tôi như người trông chùa lọt thỏm trong cái chốn tĩnh mịch ấy. Mọi người đã đi làm việc. Hai cây sấu cổ thụ cao quá mái nhà đang thay lá chuẩn bị cho một mùa quả mới. Lá vàng được dịp làm chủ khu nhà, rơi ngập lối đi, xâm nhập cả vào cái phòng nhỏ của vợ chồng tôi.

Ngày 23/4/1972

Chủ nhật không còn là ngày nghỉ của cán bộ, công nhân viên. Tối thứ 7, vợ chồng các nhà đã lên chương trình khẩn trương đi thăm con với nhiều thứ. Hôm trước vội quá, bây giờ phải đưa thêm cái áo cho đứa này, quyển sách đứa kia đang đọc, cái thau và gì gì nữa, những thứ vặt vãnh hàng ngày không thể thiếu. Nhưng cái chính đặt ra là bố mẹ đến xem chúng sống ra sao? Những đứa con bữa ăn chưa gọn gàng, và cơm vào miệng còn lều khều, nay ra tự lập thế nào?

Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội.

Ngày 24/4/1972

Trời mưa to và trở rét, “rét Nàng Bân”. Đường phố Hà Nội ngập lá vàng và ướt át.

Người đi làm thưa thớt. Cùng đi vào giờ này, tuần trước, trên quãng đường quen thuộc từ ga Hàng Cỏ xuôi Giáp Bát, xe đạp chen nhau. Thế mà hôm nay tôi cứ tha hồ đi nghênh ngang, không sợ đâm vào ai. Tôi cũng không sợ muộn giờ như mọi khi. Hôm nay tôi xuống trực trường chứ có phải xuống chào cờ và sinh hoạt chủ nhiệm đầu tuần như lệ thường đâu.

Kỳ nghỉ hè năm nay đột ngột đến với học sinh Thủ đô sau ngày 16/4. Mới có một tuần mà sân trường cấp 3 Việt Nam - Ba Lan hữu nghị gần như một thảm cỏ xanh. Sau mấy trận mưa, những hố bom, dấu vết của một trận phản lực Mỹ ném bom cách đây 6 năm đã dềnh nước. Bình thường thì chật mà nay thấy mênh mông giữa hai dãy lớp học mái lá ẩm ướt. Có vài đứa trẻ trong làng Hoàng Liệt ra nhặt những lá bàng, xà cừ rụng vàng trên sân về đun bếp. Nhìn ra đường số I, song song với đường sắt, nhiều người chạy xe đạp ngược xuôi và những toa tàu chở đầy lính trẻ vào ga Vinh, ga cuối cùng cùa đường sắt Bắc Nam. Một cảm giác lâng lâng khó nói…

Ngày 10/5/1972

Tháng 5 lịch sử.

Khuya rồi mà vẫn không chợp mắt được. Hôm nay Hà Nội chiến thắng vang dội: Bắn rơi 9 máy bay Mỹ và bắt nhiều giặc lái vào lúc 9 giờ 45 phút.

Sau vài tuần sơ tán triệt để, Hà Nội vẫn yên ổn. Nhân dân lục tục kéo về. Phố xá trở lại đông hơn. Người ta không muốn xa Hà Nội vì nhiều lẽ nhưng cái lẽ đơn giản nhất, thiêng liêng nhất và thấm thía nhất là mọi người đều muốn sống chết với Thủ đô trong những ngày nóng bỏng nhất, muốn chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng tuyệt vời và bình tĩnh kỳ lạ của người Thủ đô.

Ngày 11/5/1997

4 giờ. Đường phố còn chìm trong bóng tối. Xe đạp, xích lô qua lại khá đông. Nhưng im lặng. Họ muốn ra khỏi thành phố trước lúc trời sáng. Người ta lại hối hả đi sơ tán.

7 giờ, người xếp hàng mua gạo nối nhau… Và ở đâu, việc gì người ta cũng sợ cái giờ thứ 9 của ngày!? Một chị xếp sổ, thấy chưa đến lượt thì rút ra. Người bên cạnh hỏi sao chị không chờ chút nữa? Chị nói sắp 9 giờ rồi. Về thôi. Chả là mấy ngày qua, cứ tầm 9 giờ là báo động. Còi báo động vang lên, kéo dài và phát thanh viên luôn báo khoảng cách máy bay địch cách Hà Nội rút ngắn dần, nhắc mọi người phải vào hầm trú ẩn…

Vậy mà đối diện cửa hàng lương thực, bên kia đường là Nhà thờ Hàm Long, các cụ bà bước ra ung dung trong bộ áo dài, bình tĩnh, có cụ còn có người dìu. Hôm nay, 3 giờ còi báo động vang lên dồn dập. Pháo cao xạ lại nổ rền. Nó cứ bay vào. Ta cứ đánh. Loa vẫn truyền đi lời nhắc nhở quen thuộc: đồng bào không ra khỏi hầm vì máy bay đang hoạt động trên vùng trời Hà Nội…

4 giờ báo yên. Trời Hà Nội trong xanh như ngọc bích và nóng như lửa. Bản tin thời sự 7 giờ tối thông báo: Hôm nay Hà Nội hạ 3 chiếc. Nó đã đánh sân bay Bạch Mai, thiệt hại không đáng kể.

Phố Khâm Thiên bị san phẳng sau các vụ ném bom rải thảm của B-52, Hà Nội ngày 27/12/1972.

Ngày 27/6/1972

Hôm nay là một ngày dũng cảm và chiến thắng vẻ vang. Hà Nội bắn rơi 5 máy bay Mỹ (trong đó có chiếc thứ 3.700 của cả nước) và bắt sống giặc lái mà tôi được chứng kiến trong buổi trực trường sáng nay. Lúc hơn 9 giờ, một chiếc phản lực bị trúng đạn phòng không phía Giáp Bát và phi công nhảy dù, rơi xuống ngay trước Sở Cứu hỏa, bên kia đường, cách trường tôi gần 200m. Chúng tôi (ba cô giáo) cũng vác gậy, súng, chạy tới đã thấy tên giặc lái mặt ám khói đang được các anh lính cứu hỏa và dân quân kịp thời sơ cứu. Trước khi đưa về khách sạn Hillton (nhà tù Hỏa Lò) với đội ngũ đông đúc của chúng đã đến đây từ năm 1965…

…Mùa hè 1972: báo động, sơ tán, chiến đấu, sản xuất, và xây dựng, là “Mùa hè đỏ lửa” của Hà Nội. Nó kéo dài và kết thúc bằng trận “Điện Biên Phủ trên không” suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972 với sự thiệt hại lớn máy bay bị bắn rơi khi gây nhiều tội ác trên miền Bắc và Hà Nội. Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt xâm lược Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

Phan Thu Hương