Cúc quỳ đã vàng, thế là mùa đông
Giờ đã là mùa đông, cúc quỳ đã vàng những triền dốc vắng. Hoa hắt ấm ngọn gió từ phương Bắc tràn về đang hun hút chạy vội.
G. thân mến!
Có lần tôi đọc được ở đâu đó câu chuyện về những cây sồi đen, từ xứ lạnh xa xôi, bị ép đem đến trồng bên bờ sông Hương. Cây tha hương, không lớn nổi, ứa nhựa vì nhớ tuyết.
Chuyện hư thực thế nào, mà cứ thấy nao nao.
Còn tôi đi xa thì nhớ cây. Nỗi nhớ gửi về những triền đồi lộng gió. Ở đó, có xuyến chi trắng và cúc quỳ vàng. Ở đâu ra mà nhiều thế hai loài hoa dại ấy. Ngày mưa càng dài, càng đậm, xuyến chi càng lên nhanh, mơn mởn. Những vạt hoa trắng, mỏng, nhẹ nhàng nhảy múa trong gió. Như sóng. Mong manh là thế, yếu ớt là thế mà tiềm ẩn sức sống kỳ lạ. Mùa khô đốt xuyến chi tàn xơ xác, chỉ sau một cơn mưa đã trỗi dậy, hồi sinh, cây lại xanh, hoa lại dệt trắng những vệt đất trống. Cúc quỳ mọc không kể, nắng càng gắt, hoa càng vàng. Cuối mùa mưa là những bông cúc quỳ đầu tiên hé cánh. Hoa rừng rực lên trong nắng, chói chang đến hoa mắt, mà lá thì cứ thẫm lại, xanh đến đắng ngắt. Từng thảm vàng nối từ triền dốc này sang lưng đồi kia hoang dại.
Không có sự dung hòa. Mọi cái đều được đẩy đến đỉnh. Đã trắng thì mong manh, yếu ớt, chạm nhẹ cũng thể làm đau hoa. Đã vàng thì gắt gao, những cánh hoa dày cứ chói lên giữa mênh mang nắng gió.
Giờ đã là mùa đông, cúc quỳ đã vàng những triền dốc vắng. Hoa hắt ấm ngọn gió từ phương Bắc tràn về đang hun hút chạy vội.
Mùa đông. Những loài hoa dại của miền nhiều gió.
Ai đã kể câu chuyện về cúc quỳ, bông hoa của người nghèo ở một vùng quê nhiều bão, thắp ấm những ngày xuân. Một góc phòng nào, cúc quỳ dè dặt tỏa mùi hương đăng đắng trong đêm giữa hai người, dự vào một kỷ niệm.
Ai đã kể câu chuyện về những bông xuyến chi đông về đang khép dần cánh trắng đợi mùa sau, nhường chỗ cho cúc quỳ sưởi những ngày đông tháng giá; những bông xuyến chi mỏng mảnh làm phận cỏ dại, cũng thắp một mùa hoa, nở ở bạt ngàn.
Chẳng ai để ý đến những màu hoa ấy, người ta cuốc bỏ, chặt phá từng mảng xuyến chi, từng khóm cúc quỳ; mà cũng có thể không phải là thế, xuyến chi vẫn đơm hoa ven nhà, để có người nâng niu trong một thoáng, cúc quỳ vẫn vàng những ngõ xóm, rực những ven đường.
Hai màu hoa ấy ám ảnh tôi trong những chuyến xa. Nếu có một ngày nào đó, cao nguyên không còn cúc quỳ và những bông xuyến chi, liệu có ai thấy thiếu?
Bây giờ thì hoa nở như một sự đương nhiên. Bình dị những sắc màu của miền quê nhiều gió, lặng lẽ góp thêm một chút trong trẻo, một chút lãng đãng, một chút niềm vui giữa ngày quá nhiều bận bịu lo toan.
Cúc quỳ đã vàng. Thế là mùa đông.
G. ạ, đã nở rồi, những cánh cúc quỳ mỏng ấm áp.
Người xưa kể rằng, nàng Bờ Nga Ang, người con gái J’rai duyên dáng, không may bị bắt làm nô lệ. Chàng dũng sĩ của nàng đã vượt bảy sông bảy núi bảy đèo đi tìm người yêu, nhưng trên đường đưa nàng về, chỉ mới nhìn thấy bóng núi thân thuộc thì nàng đã kiệt sức gục xuống. Theo ước nguyện của nàng, chàng nuốt đau thương vào ngực, đưa thi thể người yêu lên dàn lửa, rồi lên đỉnh núi cao nhất, gửi nắm tro tàn nhờ gió đưa nàng về quê nhà. Mỗi hạt tro về với đất mẹ lại hồi sinh, nảy thành chồi non, đâm cành, đơm nụ, bung hoa…
Người thời nay kể rằng, tiềm ẩn trong những cánh hoa mong manh ấy là một sức sống bền bỉ, mãnh liệt.
Tôi yêu cúc quỳ vì ở loài hoa ấy, mọi thứ đều được đẩy đến đỉnh điểm, không có sự nửa vời.
Lá xanh, thì xanh đến thẫm lại.
Hoa vàng, thì vàng chói lọi, như gom vào đó mọi sợi nắng trời.
Dù phát, dù đốt, dù cái khô khát của mùa khô có làm cúc quỳ gục xuống, thì chỉ là để đợi mùa mưa, mầm sống lại bật lên rời rợi. Và những cơn gió chạy trên thảo nguyên như ngựa lồng cũng chỉ làm cúc quỳ thêm kiêu hãnh bừng lên mà thôi.
Tôi yêu mùi hương của loài hoa ấy, hơi hăng hắc, đăng đắng, mà dịu dàng tinh khiết như khí trời, cái mùi của đồng cỏ, của sương mai, của nắng. Nó gợi cho người ta cảm giác thanh sạch, hoài niệm.
G. ơi, không biết có nơi nào nhiều cúc quỳ như Tây Nguyên của tôi? Cúc quỳ có mặt ở mọi nơi, nhiều đến mức có khi làm người ta bực mình vì chỉ cần lơ là một chút là cúc quỳ lấn vào tận sân nhà.
Và khi gió bắt đầu chạy ràn rạt trên đồng cỏ thì chỉ cần bẵng đi một chút là cúc quỳ đã đồng loạt nở bung.
Một sáng ra đường, bất ngờ thấy sắc vàng ấm áp, biết là những cơn gió lạnh sắp về, đã chớm mùa khô, và hơi xuân đã ẩn mình đâu đó.
Không biết có nơi nào cũng mọc loài hoa bình dị mà rực rỡ như cúc quỳ Tây Nguyên của tôi? Những ngọn núi, những thung lũng, những triền đồi bạt ngàn hoang dại hoa, gió cuốn thành lớp lớp sóng hoa vàng. Mỏng manh mà mãnh liệt.
Trong mỗi bông cúc quỳ vàng, có phải đang đập nhịp trái tim yêu thao thiết của nàng Bờ Nga Ang…
Về đi G, về mà thương, ơi cúc quỳ…
Chào G nhé, hẹn thư sau!