Hiểm họa từ việc mở lối đi trái phép qua đường sắt
Mặc dù dư luận đã nhiều lần phản ánh, chính quyền thành phố và ngành chức năng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng những tai nạn giao thông đường sắt không đáng có vẫn xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 15 người và 1 người bị thương.
Trong 9 tháng đầu năm 2020 có 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, làm chết 4 người, bị thương 8 người. Mặc dù tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn đã giảm sâu về cả ba tiêu chí so với những năm trước đó, nhưng nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt vẫn tiềm ẩn khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do người điều khiển lái ô tô, xe máy thiếu quan sát, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông khi đi qua đường sắt, cơ bản là do các địa phương không kiểm soát tốt địa bàn, để một số người tự ý mở các lối đi trái phép qua đường sắt.
Có tới 78% số vụ tai nạn giao thông trên cả nước xảy ra trên các lối đi tự mở và dọc hai bên hàng lang đường sắt. Điều này cho thấy những lối đi tự mở tạo ra nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt.
Gần đây nhất, chiều 29/9, xe chở học sinh của Trường Tiểu học Lý Nam Đế (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đã bị tàu hỏa đâm vì cố tình băng qua đường sắt khi tàu đang đến gần. Cú đâm khiến xe khách quay ngang. Vụ tai nạn xảy ra đúng giờ cao điểm khiến tuyến đường bị tắc nghẽn.
Theo thiếu tá Đoàn Việ̂t Bắc, Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an quận Nam Từ Liêm), vị trí xảy ra tai nạn tại là lối vào tổ dân phố Miêu Nha, từ lâu đã được kiến nghị lập barie và đèn, còi cảnh báo nguy hiểm.
Ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, trong đó phân bổ 7.383,65 tỷ đồng để xử lý các lối đi tự mở và hành lang an toàn giao thông đường sắt để đảm bảo an toàn trên tuyến đường sắt quốc gia, thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Thời gian qua, việc xóa bỏ đường ngang trên địa bàn cả nước như “bắt cóc bỏ đĩa”, chính quyền địa phương hầu hết chưa quy được trách nhiệm rõ cho nên xử lý hành vi vi phạm không kiên quyết. Chủ tịch UBND cấp xã, huyện chỉ mới dừng ở hình thức kiểm điểm, phê bình mà chưa có mức nào xử lý nặng hơn khi để xảy ra tai nạn.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có 6 tuyến đường sắt dài 162,11km đi qua 18 quận, huyện; 52 xã, phường, thị trấn với 545 vị trí giao cắt qua đường sắt, trong đó 182 vị trí đường ngang hợp pháp và 363 lối đi tự mở.
Trong năm 2019 thành phố đã phối hợp với ngành đường sắt rào, xóa bỏ 19 lối đi tự mở, thu hẹp 137/182 vị trí lối đi tự mở; xây dựng 91 vị trí gờ, gồ giảm tốc; tôn cao để giảm độ dốc đường ngang quốc lộ 1 tại 35 vị trí.
Tuy nhiên, vẫn còn 252 vị trí vi phạm quy định về bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt; 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt. Đến nay, các vi phạm vẫn chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, các lối đi tự mở vẫn chưa được xóa bỏ theo lộ trình, vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, công tác trực cảnh giới tại các lối đi tự mở do các quận, huyện thực hiện chưa thường xuyên…
Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đường sắt, mới đây, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua tổ chức các lực lượng cảnh giới tại các lối đi tự mở có chiều rộng trên 3m, các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg, ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho người dân.