Nhiều sinh viên còn chủ quan, không tham gia bảo hiểm y tế

Khanh Lê 17/10/2020 08:14

Ngày 16/10, Báo Nhân Dân điện tử phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Tại buổi giao lưu, nhiều đại biểu cho biết, dù là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, tuy nhiên rất nhiều sinh viên chủ quan về sức khỏe nên thường tìm cách tránh, không muốn tham gia BHYT.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Vẫn còn 5% HSSV chưa tham gia BHYT

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 18,16 triệu HSSV (gồm cả các em tham gia theo nhóm đối tượng khác) tham gia BHYT, ước đạt 95,2% tổng số HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề.

Tỷ lệ này tăng 1% so với năm học trước đó. Có được kết quả này là sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đòi hỏi sự cố gắng rất cao của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương

Là trường có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên theo ThS Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, ĐH Kinh tế quốc dân, dù đã được tuyên truyền, song vẫn còn không ít HSSV chưa có nhận thức thực sự đúng về chính sách BHYT. Đặc biệt, nhiều HSSV vẫn còn chủ quan về việc mua BHYT.

“Nhiều HSSV đều trong độ tuổi 18, 20 nên thường nghĩ rằng mình không có bệnh gì lớn, không có điều gì xảy ra với sức khỏe, nên băn khoăn có nên mua bảo hiểm y tế hay không. Tôi nghĩ là các bạn chủ quan chứ không phải thờ ơ. Do đó, chúng ta cần có biện pháp giải tỏa băn khoăn của các bạn. Cùng với đó, chúng ta cần phải thông tin tới gia đình để thống nhất với nhà trường việc mua BHYT để bảo đảm sức khỏe cho các em trong quá trình học tập”, THS Nguyễn Hồng Hà cho biết.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến chính sách BHYT HSSV chưa đạt như kỳ vọng, TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện hệ thống y tế trong trường học ở một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học chiếm khoảng 25%.

Với các trường đã có nhân viên y tế trường học thì trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định chỉ đạt 30%. Hầu hết nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 146 của Chính phủ.

Do vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, hầu hết các trường không được hưởng kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT, dẫn đến chưa bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong các nhà trường. Hiện Bộ GDĐT đang phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn này.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Để có thể đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, TS Nguyễn Nho Huy cho biết, ngành giáo dục và BHXH Việt Nam đã đặt mục tiêu này trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt con số này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp các ngành, các cấp.

Nòng cốt ở đây vẫn là ngành giáo dục, BHXH Việt Nam, ngành y tế để thực hiện mục tiêu kỳ vọng này. Về cơ chế chính sách hiện Bộ GDĐT đang phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống y tế trong trường học.

Hiệu quả hoạt động ngày sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo động lực và niềm tin cho phụ huynh và học sinh sẵn sàng tự nguyện tham gia BHYT.

“Để đạt con số kỳ vọng 100% thì công tác lãnh đạo chỉ đạo giữa ngành giáo dục và BHXH cần phải có thêm sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn nữa.Ngành giáo dục cũng cần sự hỗ trợ, kể cả các nguồn lực liên quan từ BHXH để thực hiện công tác BHYT. Từ đó, thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV thời gian tới”, TS Nguyễn Nho Huy cho biết.

Theo TS Nguyễn Nho Huy, quy định SV tham gia BHYT là bắt buộc và đã được đưa vào quy chế HSSV giống như đóng học phí.

Đặc biệt ngành giáo dục cũng đưa vào quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên, nếu đối tượng nào không thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT, nhà trường sẽ đánh giá vào điểm rèn luyện HSSV, thậm chí có thể hạ mức đánh giá kết quả rèn luyện.

“Mới đây, Chính phủ ban hành nghị định trong đó có quy định xử phạt hành chính đối với đối tượng cố tình không đóng bảo hiểm y tế. Với HSSV, chúng tôi coi trọng giải pháp thuyết phục vận động là chính. Nhưng có đối tượng có điều kiện cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT, thì ngoài việc thực hiện chế tài giáo dục, chúng tôi kiến nghị dùng chế tài mạnh hơn để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT trong thời gian tới đây”, TS Nguyễn Nho Huy nhấn mạnh.

Khanh Lê