Sắp diễn ra hội thảo khoa học về Thiền sư Pháp Loa tại Quảng Ninh
Nhân kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch (1330 - 2020), ngày 17/10, Đại học Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị bàn, thống nhất kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học "Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử" tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh và Đại học Quốc gia đã bàn và thống nhất tổ chức hội thảo khoa học "Thiền sư Pháp Loa – Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử" trong tháng 11 sắp tới tại thị xã Đông Triều.
Theo đó, hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung sau: Thứ nhất, về hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung; Thứ hai, Thiền học của đệ Nhị tổ Pháp Loa; Thứ ba, Phật giáo Trúc Lâm truyền thống và hiện đại: Thảo luận về những giá trị và sự gợi mở từ sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung trên các phương diện tu tập, hoạt động văn hóa, học thuật, biên soạn thư tịch, ấn tống kinh sách... đối với đời sống đương đại.
Cùng với hội thảo khoa học, Lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án trùng tu Chùa Quỳnh Lâm – một trong những ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất và có quy mô lớn trong cả nước hiện nay sẽ là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện kích cầu du lịch cuối năm của tỉnh Quảng Ninh.
Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là một Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư là môn đệ của Trần Nhân Tông, là Tổ thứ hai của dòng thiền này. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo – hành đạo, Thiền sư là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa...
Trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, Thiền sư Pháp Loa thiết lập, định vị trụ xứ trung tâm truyền pháp của Sơn môn Trúc Lâm: Yên Tử – Quỳnh Lâm – Siêu Loại; xác lập tư cách Thiền giả qua Thanh quy chuẩn mực học Thiền, tu Thiền, ngộ Thiền, hoằng Thiền và qua giới luật Sa di – Tỳ kheo – Bồ tát; xác lập vững chắc tịnh sản (ruộng chùa, đất chùa, Tam bảo nô...) của hệ thống Thiền viện Thiền phái Trúc Lâm, góp phần ổn định đời sống bảo đảm việc học tập và tu tập cho chư tăng.