Khép lại mùa Nobel trong đại dịch
Cuối cùng thì “mùa” Nobel 2020 cũng khép lại bất chấp những bàn luận trái chiều.
Giải Nobel năm nay được coi là mùa giải “khác thường” vì đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động phải ngưng trệ. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng việc đề cử, lựa chọn sẽ thiếu khách quan. Nhưng rồi mọi sự cũng xong. Trong những giải Nobel trao năm nay, từ những biến cố xã hội, người ta chú ý nhất tới giải về Y học, Kinh tế và Nobel Hòa bình.
1. Nobel Y học 2020 đã gọi tên 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice (1 người Anh và 2 người Mỹ) về những phát hiện có ảnh hưởng sâu xa dẫn đến việc xác định một loại virus mới, virus viêm gan C.
Đây cũng là giải Nobel đầu tiên của mùa giải Nobel 2020 (công bố ngày 5/10, tại Viện Korrolinska, Stockholm, Thụy Điển).
Theo đó, nhà khoa học Michael Houghton - được trao giải Nobel Y học năm 2020 - đã sử dụng “một chiến lược chưa được thử nghiệm” để phân lập bộ gene của virus mới được đặt tên là virus viêm gan C. Trong khi đó, nhà khoa học Charles M.Rice cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C có thể gây ra bệnh viêm gan.
Giới quan sát cho rằng, việc sớm công bố giải Nobel Y học 2020 trong bối cảnh thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19 tồi tệ là “rất phấn khởi”. Theo một bình luận của AFP, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng lớn đối với nhân loại, nó đã cho thấy khoa học Y học quan trọng đến mức nào. Còn Lars Heikensten - người đứng đầu Quỹ Nobel cho biết, dù rất nóng lòng nhưng sẽ là quá sớmđể nghĩ đến việc Nobel Y học được trao cho các công trình liên quan trực tiếp đến SARS-CoV-2 (virus dẫn tới bệnh Covid-19) vì một nghiên cứu đoạt giải Nobel thường mất nhiều năm để được xác minh.
Nói như Tiến sĩ Erling Norrby - cựu thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đồng thời là một nhà virus học thì “tôi cho rằng ít nhất 10 năm trước khi bạn có thể hiểu hết tác động của một phát hiện”.
Trước khi giải Nobel Y học chính thức được công bố, thì người ta cũng đã “dự đoán” nhiều tên tuổi khác. Như nhà khoa học người Australia gốc Pháp Jacques Miller và nhà khoa học người Mỹ Max Cooper cho những khám phá của họ về tế bào T và tế bào B, dẫn đến những đột phá trong nghiên cứu ung thư và virus. Hai nhà khoa học này đã từng thắng giải Lasker danh giá tại Mỹ vào năm 2019. Nhà di truyền học người Mỹ gốc Lebanon Huda Zoghbi - người phát hiện ra đột biến gene dẫn đến hội chứng rối loạn não bộ mang tên Hội chứng Rett, cũng được cho là ứng viên sáng giá. Hoặc nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King - người đã phát hiện ra gene BRCA1 chịu trách nhiệm cho một dạng di truyền của bệnh ung thư vú - cùng nhà nghiên cứu Ralf Bartenschlager của Đức và nhà nghiên cứu người Mỹ Michael Sofia - đã nỗ lực trong việc chữa bệnh viêm gan C - cũng được cho là “rất triển vọng”. Nhưng cuối cùng chiến thắng đã không thuộc về họ.
Với giải thưởng Nobel Y khoa lần thứ 111 này, thế giới đã có 222 người được trao giải về “Sinh lý học hay Y học” kể từ ngày Nobel được thành lập. Dù vậy, AFP lấy làm tiếc rằng cho đến nay chỉ có 12 phụ nữ được trao giải thưởng cao quý này.
2. Giải Nobel Kinh tế năm nay cũng nhận được nhiều chú ý khi mà nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng chỉ vì đại dịch Covid-19. Đặc biệt với nhiều quốc gia Âu - Mỹ, nơi mà người ta “không quen” với sự thiếu thốn thì điều đó lại càng ý nghĩa.
Vì thế, việc vinh danh 2 nhà kinh tế học Paul Milgrom (72 tuổi) và Robert Wilson (83 tuổi) đều là người Mỹ đã nhận được sự chú ý rộng rãi. Họ được trao giải cho những nỗ lực cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới và tốt hơn, được ứng dụng nhiều trong nền kinh tế.
“Đấu giá được sử dụng ở mọi nơi và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hai người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay, Paul Milgrom và Robert Wilson, đã cải thiện lý thuyết đấu giá và phát minh các hình thức đấu giá mới, mang lại lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế trên khắp thế giới” - website của giải Nobel nhận định.
Một trong những hình thức đấu giá mới này được nhà chức trách Mỹ sử dụng để bán tần số vô tuyến cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 1994. Kể từ đó, nhiều nước khác đã làm theo cách này của Mỹ trong hàng chục cuộc đấu giá có giá trị hàng trăm tỉ USD trên thế giới. Không gì lạ khi Trường Đại học Stanford (Mỹ), nơi 2 nhà kinh tế học nói trên làm việc, đánh giá công trình của hai ông đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp viễn thông hiện đại.
Ông Peter Fredriksson - Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Kinh tế, nhận định “phát hiện của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”.
Như vậy, ông Milgrom và ông Wilson sẽ chia nhau giải thưởng 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD). Sau khi hay tin mình được giải, ông Wilson cho biết chưa có kế hoạch tức thì với khoản tiền thưởng trên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành; “có lẽ tôi sẽ để dành nó cho vợ con”.
Không phủ nhận tính tích cực trong phát minh của Milgrom và Wilson, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng giá như giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho những sáng kiến giúp số đông nhân loại trụ được trong bối cảnh suy thoái thì sẽ thuyết phục hơn. Kể từ khi ra đời năm 1968, thì Nobel Kinh tế cũng đã hướng tới giá trị như vậy. “Còn lần này thì hơi xa thực tế” - nhận xét của một thành viên của Quỹ Nobel không tiết lộ danh tính.
3. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều điểm nóng xung đột, hay là “dọa” xung đột thì giải Nobel Hòa bình rất được chú ý. Năm nay, Nobel Hòa bình được cho là bất ngờ tới phút trót trước khi xướng tên Chương trình Lương thực thế giới (WFP).
Theo đại diện Ủy ban Nobel, WFP xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm chống lại nạn đói và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Nauy, bà Reiss-Andersen, cho biết họ lựa chọn WFP vì muốn “hướng sự chú ý của toàn thế giới vào hàng triệu con người đang chịu nạn đói hoặc đối mặt với mối đe dọa của nạn đói”. Theo bà Reiss-Andersen, ngay cả khi dịch bệnh không xảy ra (Covid-19) thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải thưởng vì những đóng góp to lớn của họ.
“Sự xuất hiện của Covid-19 cùng những thách thức mà dịch bệnh gây ra đã củng cố lý do để Ủy ban Nobel Na Uy lựa chọn WFP. Đại dịch đã khiến nhu cầu cần hỗ trợ lương thực gia tăng. Cho đến khi chúng ta có vaccine, lương thực vẫn là liều vaccine hữu hiệu nhất chống lại mọi cuộc khủng hoảng”- bà Reiss-Andersen nói và cho biết việc chọn WFP để trao giải Nobel Hòa bình cũng là trên tinh thần di nguyện của Alfred Nobel, khi mà cần phải ngăn chặn các thế lực “sử dụng nạn đói như một loại vũ khí của chiến tranh và xung đột”.
Đây là lần thứ 25, giải Nobel hòa bình được trao cho một tổ chức thay vì một cá nhân. Trước đó Ủy ban Nobel Na Uy đã xem xét 318 ứng viên, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức.
Trong số những nhân vật được cân nhắc trong cuộc trao giải năm nay, những cái tên gây chú ý là nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg, 17 tuổi người Thụy Điển; chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny - người đang hồi phục sức khỏe sau khi bị nghi trúng chất độc thần kinh và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - nhà lãnh đạo được khen ngợi vì có phản ứng sớm với dịch bệnh Covid-19, giúp hạn chế số ca tử vong và ca mắc tại quốc gia này. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) cũng nằm trong danh sách ứng cử viên với vai trò trong đối phó dịch bệnh Covid-19.
Trong danh sách đề cử có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một nhóm giáo sư luật Australia đã đề cử ông Trump khi cho rằng Tổng thống Mỹ đã quyết định rút binh lính nước này rà khỏi những cuộc chiến không hồi kết ở ngoài biên giới nước Mỹ.
Nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, Alfred Nobel là chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cống hiến suốt đời cho khoa học, Nobel đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có, nhưng lại bất hạnh về đời tư và ra đi trong cô độc.
Ông sinh ngày 12/10/1833 tại Stockholm. Kể từ năm 1863, Alfred Nobel tập trung phát triển chất nổ nitroglycerine. Một vài tai nạn xảy ra, trong đó có vụ nổ năm 1864 đã giết chết người anh trai Emil và một vài người khác, khiến các quan chức thành phố Stockholm cho rằng chế tạo chất này là quá nguy hiểm. Các thí nghiệm về nitroglycerine bị cấm ngặt và Alfred phải đưa phòng thí nghiệm xuống một chiếc xuồng trên hồ Malaren. Năm 1864, Alfred Nobel bắt đầu sản xuất nitroglycerin trên quy mô lớn. Năm 1867, ông đăng ký bản quyền sáng chế cho vật liệu này dưới tên dynamite. Kể từ đó, không chỉ là nhà phát minh chất nổ, ông còn là nhà kinh doanh tài ba.
Alfred Nobel mất tại San Remo, Italia, vào ngày 10/12/1896. Trong di chúc, ông đã dành tài sản kếch xù của mình làm giải thưởng cho những người có đóng góp lớn lao cho nhân loại, trong lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh lý học và Y học, Văn học và Hoà Bình.