Không thể cứ sai rồi sửa
Vậy là sau khi “rà soát” theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GDĐT, Hội đồng Thẩm định đã thống nhất với nhóm tác giả bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) việc tiếp thu các ý kiến phản biện, sửa chữa sai sót trong thời gian tới. Song, dư luận cho rằng, không thể đơn giản như vậy, làm gì có chuyện cứ sai rồi sửa là xong?
Sau hơn 1 tháng đưa vào dạy và học, SGK tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh diều do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng sách có một số nội dung chưa phù hợp. Trước phản ứng của đông đảo phụ huynh, sự phản biện của các nhà sư phạm, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà soát lại.
Đáng tiếc là nhóm tác giả không thực sự cầu thị, lúc đầu còn “đăng đàn” “phản pháo” lại các ý kiến phản biện và cho rằng có sự “đánh hội đồng” với một số cá nhân. Chỉ đến khi lãnh đạo Bộ GDĐT yêu cầu Hội đồng Thẩm định SGK rà soát, lúc đó nhóm tác giả mà đứng đầu là GS Nguyễn Minh Thuyết mới chịu thừa nhận sai sót.
Song, những lỗi trong SGK tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh diều không hẳn là sai sót, mà có thể nói là sự cẩu thả khi biên soạn sách cho trẻ thơ. Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn vẽ thế nào nên thế ấy, vậy mà SGK lại dạy trẻ cách nói dối và trốn việc thì đúng là không thể chấp nhận được (câu chuyện ngựa ô và ngựa tía).
Với các tác giả đã vậy, còn Hội đồng thẩm định thì sao? Thật lạ ở chỗ có hẳn một Hội đồng quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục đầu ngành, vậy mà không hiểu vì sao chất lượng bộ sách Cánh diều nhiều sạn như vậy lại vẫn “lọt mắt xanh” và nhận được cái “gật đầu” phê duyệt để in đại trà đưa vào giảng dạy?
Vì thế không thể trách một số ý kiến đặt vấn đề: Có hay không lợi ích nhóm trong câu chuyện làm SGK? Dư luận xã hội có quyền nghi ngờ khi mà chất lượng SGK nhiều lỗi đến như vậy mà vẫn được Hội đồng Thẩm định SGK thông qua và Bộ GDĐT phê duyệt để in, đưa vào giảng dạy, học tập.
Thôi thì vấn đề lợi ích nhóm hay không chưa bàn đến. Chỉ riêng việc cứ cho in sai rồi bây giờ cho sửa thì trách nhiệm của các tác giả đến đâu, Hội đồng Thẩm định như thế nào, lãnh đạo Bộ GDĐT ra sao. Khi cứ “gật”, cứ “quyết” sai mà chẳng bị làm sao cả thì tất nhiên sẽ có rất nhiều lần sau.
Và giờ khi “quyết” cho sửa thì sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, những học sinh đã trót mua sách Cánh diều rồi thì bây giờ lại phải bỏ thêm một lần tiền nữa để mua sách mới hay được đổi miễn phí? Hay là các phụ huynh chỉ việc xé những tờ có “sạn” rồi mua mấy trang đã sửa của tác giả dán vào là ổn?
Quan trọng hơn, những điều không nên không phải mà trẻ thơ đã trót học từ sách tiếng Việt lớp 1 trong bộ SGK Cánh diều thì ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và liệu có sửa chữa được không? Không “sửa chữa” được cũng có nghĩa chúng ta sẽ cho “ra lò” những sản phẩm giáo dục lỗi.
Vậy nên, nhóm tác giả cũng như Hội đồng Thẩm định SGK và lãnh đạo Bộ GDĐT cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề, nhận trách nhiệm với xã hội. Và tất nhiên là phải sửa chữa. Nhưng thật buồn, chuyện nào cũng vậy thì cứ sai rồi sửa thì hậu quả sẽ tới đâu.