Nga dọa đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tại châu Á - Thái Bình Dương
Nga cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Nếu các tên lửa của Mỹ được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương, và hôm qua tôi được xác nhận một lần nữa rằng những tên lửa này sẽ được triển khai, tầm hoạt động của những tên lửa này sẽ vươn tới Liên bang Nga, bao trùm các mục tiêu chiến lược về răn đe hạt nhân”, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói trên kênh One Russia ngày 17/10.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Chiến lược Tầm trung (INF) với Nga vào tháng 8/2019. Trong khi đó, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START), thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng giữa Nga và Mỹ, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021.
INF được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Mỹ viện dẫn lý do Nga phát triển tên lửa cấm để rời khỏi hiệp ước, song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu phản đối việc gia hạn hiệp ước START mới với Nga. Thay vào đó, Washington kêu gọi một thỏa thuận đa phương với Nga và Trung Quốc.
Đại sứ Antonov cho biết Nga đã thực hiện các cam kết đơn phương về việc không triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung cho tới khi Mỹ triển khai những tên lửa như vậy tại một số khu vực.
“Hôm qua tôi được xác nhận một lần nữa rằng Mỹ đã triển khai tên lửa và tất nhiên phía Nga sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng”, Đại sứ Antonov nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Antonov, Nga đã cố gắng thuyết phục các chính trị gia Mỹ rằng việc thiếu các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí là điều nguy hiểm, tuy nhiên hiện vẫn chưa có tiến triển trong vấn đề này và Nga - Mỹ đang tiến gần hơn tới một cuộc chạy đua vũ trang.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/10 đã đề xuất gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới thêm một năm mà không đi kèm điều kiện, để các bên có thể thảo luận tất cả các vấn đề liên quan tới kiểm soát vũ khí trong một năm đó.
Theo Tổng thống Putin, hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện tại giữa Nga và Mỹ đã đảm bảo được mục đích đề ra. Ông Putin cho rằng sẽ là điều đáng tiếc nếu hiệp ước này bị bãi bỏ mà các bên không đạt được một hiệp ước thay thế.