Tháng Cao điểm vì người nghèo: Cần thêm nữa những tấm lòng nhân ái
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 đã khép lại, mở ra Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11) nhưng tấm lòng của những người ủng hộ cho Chương trình thì còn mãi.
Đó là lòng nhân ái, là nghĩa cử nhân văn cao đẹp, như mạch nguồn âm thầm chảy trong lòng dân tộc, đem lại sức mạnh và giúp người Việt Nam vượt qua mọi biến cố, gian nan.
Trong đời sống người Việt, lòng nhân ái là một điều rất đỗi quen thuộc, tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Tinh thần ấy thể hiện giản dị trong tình làng, nghĩa xóm, trong sự bảo bọc, chở che, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn, vui buồn hoạn nạn…
Vì vậy, đã có rất nhiều người tìm đến Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội- nơi diễn ra Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 từ rất sớm để đăng ký bước lên “Thảm xanh”.
Thảm xanh là một cách gọi cho khu vực sâu khấu bên lề trước giờ diễn ra Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, đó là nơi tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội. Cho nên, thảm xanh là một “sân khấu” vô cùng quan trọng, góp phần làm nên thành công của mỗi chương trình.
Kể từ năm 2018, thảm xanh đã trở thành nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái, những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ người nghèo tại Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
Màu xanh là màu của thiên nhiên, của sự sống và niềm hy vọng. Còn những chiếc khóa trao tặng trên thảm xanh, là biểu tượng cho những chiếc khóa mở ra cánh cửa hy vọng cho người nghèo, để người nghèo trên khắp đất nước có cơ hội thay đổi cuộc đời và có một cuộc sống tốt hơn.
Năm 2020 là một năm có quá nhiều biến cố gian nan, từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, người dân, cho đến mưa bão đang hoành hành ở miền Trung gây bao tang thương. Nhưng khi chứng kiến từng đoàn người vẫn tìm đến sảnh Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội vào chiều tối ngày 17/10, lần lượt đứng xếp hàng để chờ được gọi tên bước lên thảm xanh thì hẳn chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa của câu nói “người với người, sống để yêu nhau”.
Để thấy dù bạn là ai, dẫu có bận rộn, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trong mỗi chúng ta vẫn còn đó tình thương và lòng nhân ái, cho chính bản thân mình và cho cuộc sống, đặc biệt là cho những mảnh đời bất hạnh.
Đứng giữa dòng người đông đảo, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T nói rằng, ông thấy rất vui vì những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đã không ngăn cản những bước chân tìm về Chương trình để đồng hành cùng người nghèo của rất nhiều doanh nghiệp.
Cũng trong dòng người ấy, vợ chồng ca sĩ Tuấn Hưng tìm đến để trao tặng số tiền 50 triệu đồng. Tuấn Hưng cho rằng, sự đóng góp của mình là phù hợp với kinh tế của gia đình. Nhưng so với tất cả những gì mà vợ chồng anh chứng kiến trong Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” tối ngày 17/10 thì những con số đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân là điều rất tuyệt vời.
“Dù chúng ta có thể đóng góp một gói mỳ tôm hay 500 nghìn hay 500 triệu thì vẫn là tấm lòng. Tấm lòng tùy theo khả năng của mỗi người, mỗi gia đình. Ðiều quan trọng mình được chia sẻ, được đồng lòng chung tay với tất cả mọi người” - ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ.
Cũng theo anh, việc đóng góp hay làm từ thiện, trước tiên là cho chính mình vì mình cảm thấy sống có ý nghĩa, biết chia sẻ. Một cá nhân mang lại một điều tốt thì hàng chục, hàng ngàn, hàng triệu cá nhân sẽ làm nên hàng triệu điều tốt. Từ đó những khó khãn sẽ được san sẻ với người nghèo, những nỗi đau của miền Trung sẽ được xoa dịu phần nào.
Những ngày này, miền Trung vẫn chìm trong mưa lũ. Trong khi vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế vô cùng khó khăn, người miền Trung gần như kiệt quệ thì liên tiếp bão, lũ lại giáng những đòn chí mạng xuống mảnh đất vốn quá nhiều khốn khó này.
Có sự chia sẻ nào không chan chứa tình thương, có mất mát nào không khiến lòng ta day dứt. Rồi sau cơn cuồng nộ của thiên tai, sau cả những mất mát đau thương sẽ lại xuất hiện những hộ nghèo, cận nghèo mới.
Cho nên việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững.
Có thể nói, truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” luôn là đạo lý sống, nhân sinh quan tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam. Thấm nhuần tinh thần ấy, từ năm 2000, ngày 17/10 được chọn là Ngày cả nước vì người nghèo và cũng từ ngày 17/10 - 18/11 hàng năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo.
“Vì người nghèo” là một cuộc vận động mà Mặt trận đã thực hiện trong suốt 20 năm qua. “Vì người nghèo” vẫn đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Nhưng để làm được điều đó, cần lắm những tấm lòng, mà nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào chung tay mà là sự đồng cảm, tình yêu thương đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”.
Mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc chúng ta mở rộng tấm lòng, dang tay ôm lấy đồng bào mình trong cơn khốn khó. Như ý nghĩa của một bài hát, sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Trân trọng những tấm lòng nhân ái ủng hộ cho Chương trình, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tich UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, tuy đang rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ người nghèo và đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.
Người đứng đầu Mặt trận cũng đánh giá cao nhiều địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt với tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hoan nghênh nhiều hộ nghèo, vùng nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo, dành sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho những trường hợp còn khó khăn hơn.