Rút ngắn khoảng cách về giới
Đánh giá việc triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH cho biết, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới.
Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn này, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn…
Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Các nghiên cứu, khảo sát đều cho thấy “bình đẳng giới” đã trở thành một khái niệm quen thuộc với người dân và phần lớn đều có suy nghĩ tích cực về bình đẳng giới và hiểu ý nghĩa của nó đối với sự phát triển của gia đình và xã hội.
Trong 10 năm qua, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.
Mặc dù đạt được những kết quả trên, tuy nhiên theo Bộ LĐTBXH, vẫn còn một số chỉ tiêu không thể đạt được. Đơn cử như chỉ tiêu tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Hiện nay các số liệu về tỷ lệ lao động nữ vẫn còn đang chênh lệch nhau về kết quả (Kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 17,38%, còn kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên là 23,1%, trong đó, nam đạt 25,5%, nữ đạt 20,5%, khu vực thành thị đạt 39,3% và# khu vực nông thôn đạt 15,6%).
Tuy nhiên theo Bộ LĐTBXH, rất khó đạt được tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề vào năm 2020. Bên cạnh chỉ tiêu này, theo Bộ LĐTBXH, còn nhiều chỉ tiêu về phòng, chống bạo lực giới, tỷ lệ nữ giới tham gia vào cấp ủy tại cơ sở…chưa đạt như mục tiêu mà Chiến lược đề ra.
Thực tế cho thấy, dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với những tồn tại, thách thức. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng các chính sách và hành động cụ thể để duy trì những thành quả đang có, đồng thời giải quyết các vấn đề giới đang tồn tại, cũng như các vấn đề giới nảy sinh trong giai đoạn tới.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia cần tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên cơ sở đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác.