Triển vọng khám chữa bệnh tim mạch từ xa
Trong khuôn khổ Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, hội thảo triển vọng y tế từ xa với bệnh tim mạch cũng đã được tổ chức.
Tại đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội nhận định, trước thành công và hiệu quả trông thấy của hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ vào một tương lai gần, khi đó, bác sĩ có thể thăm khám cho bệnh nhân tại nhà, bằng ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước đó, ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của Đề án này là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ ở tuyến xã cũng như tuyến trung ương.
Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới. Khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được phê duyệt, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp bệnh viện trên toàn quốc cùng các giáo sư, thầy thuốc khẩn trương triển khai hoạt động.
Trong 2 tháng triển khai, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM.
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé... đã đăng ký tham gia và được kết nối với các bệnh viện trung ương gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế...
Bác sĩ khám chữa bệnh từ xa không còn là khái niệm mới mẻ ở các nước trên thế giới. Bác sĩ khám, tư vấn từ xa (Telehealth, Telemedicine, VideoCare) đã ứng dụng nhiều năm qua tại Mỹ, Châu Âu hay Ấn độ. Ngay tại Singapore hay Indonesia, bác sĩ kết nối với bệnh nhân thông qua cuộc gọi video, cuộc gọi thoại, tin nhắn, chat... cũng được triển khai vài năm gần đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến trung ương có thể hội chẩn bệnh nhân, thậm chí siêu âm tim, đọc kết quả từ xa... để hội chẩn.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Lấy ví dụ thực tế, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay, như siêu âm tim, một kỹ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân. Với đầu dò nhỏ, phát sóng wifi, người cầm đầu dò là kỹ thuật viên.
Các thông số hiển thị ngay tức thì cho phép bác sĩ đang ở tại viện nắm bắt kết quả để đưa ra đánh giá. Đặc biệt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa phương pháp điều trị dựa trên dữ liệu. Hiện nay với công nghệ thông tin sẽ có cách thu thập công nghệ, dự đoán chính xác nhất, đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất.
Lúc đó, chỉ cần điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng có thể thực hiện kỹ thuật khám bệnh, siêu âm, nghe tim.. và bác sĩ có thể chẩn đoán từ xa.
Nền tảng chăm sóc sức khoẻ từ xa Ourhealth cũng đã được ra mắt tại Đại hội Tim mạch lần thứ 17, nền tảng này đánh dấu thêm 1 bước tiến mới, tới gần hơn mục tiêu khám chữa bệnh từ xa tại nhà cho người bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, những ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 ở miền Trung, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy hiệu quả tuyệt vời để các bác sĩ nắm bắt thông tin về bệnh nhân nặng, đưa ra hội chẩn điều trị tốt nhất.
Theo các chuyên gia, nền tảng này giúp bác sĩ, bệnh nhân và người thân kết nối trực tuyến để chia sẻ tình trạng sức khỏe hoặc tự động gửi cảnh báo khi có những dấu hiệu bất thường.
Nền tảng cũng là diễn đàn mở giữa người bệnh, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành để chia sẻ kiến thức y tế; đồng thời kết nối 24/7 tới đường dây nóng của bệnh viện, dẫn đường đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ gần nhất.
Ourhealth sử dụng Big data (Phân tích dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích toàn bộ thông tin bệnh án, quá trình tư vấn, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân… nhằm ra đưa cảnh báo sớm về các chỉ số sức khỏe bất thường của người bệnh; các dấu hiệu cần cấp cứu, đồng thời giúp bác sĩ tư vấn chính xác và hiệu quả nhất.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thông qua Ourhealth, người dân bị tăng huyết áp có thể đến trạm y tế địa phương để lấy thuốc mà không cần đi khám ở các bệnh viện tuyến trên như trước đây. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được tư vấn, điều trị kịp thời nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, để Ourhealth hoạt động hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng nền tảng, xây dựng chế độ đãi ngộ cũng như những ràng buộc trách nhiệm đối với những người tham gia tư vấn cho bệnh nhân…