Nên hướng nghiệp sớm

Linh Nga 20/10/2020 08:30

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học (ĐH).

Hiện Dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng việc hướng nghiệp sớm cho học sinh từ tiểu học là quá sớm, không cần thiết. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại khẳng định nên hướng nghiệp càng sớm càng tốt.

Trước những băn khoăn của dư luận, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, dự thảo thông tư được xây dựng trên nguyên tắc, nội dung, hoạt động đảm bảo phù hợp với nhận thức, trình độ và nhu cầu người học ở từng cấp học, bậc học, sẽ không gây quá tải hay quá sức đối với người học.

Cụ thể, hai mảng công tác chính được quy định trong Dự thảo thông tư là: Hướng nghiệp, tư vấn việc làm và Hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, sẽ áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến ĐH. Trong công tác hướng nghiệp, việc làm, cấp tiểu học sẽ thực hiện 4 hoạt động chính ở mức độ sơ khai, đơn giản.

Trước tiên là giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Tiếp đến, học sinh tiểu học được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.

Các em rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, quản lý bản thân...Theo ông Linh, từ đây năng khiếu của học sinh sẽ được chú trọng phát hiện, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho các em.

Đồng quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhận định: Giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp qua các bài học trên lớp và qua học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội trong đó có hoạt động nghề nghiệp của con người.

Ông Vinh cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao.

Trở lại thực tế trước mỗi kỳ thi vào lớp 10 THPT ở các thành phố lớn, hoặc các kỳ tuyển sinh ĐH- CĐ thường niên, nhiều học sinh - dù sức học yếu xong vẫn không xác định được việc học tiếp lên THPT để làm gì; hoặc cũng có nhiều học sinh lớp 12 sắp tốt nghiệp THPT vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì, chỉ biết học ngành nào “nghe nói kiếm được nhiều tiền”, hoặc do các bạn chọn ngành đó thì tham gia đăng ký cho vui…

Cũng chính vì tư duy nghề nghiệp không được xác định sớm và đầy đủ nên đã dẫn đến tình trạng có những sinh viên vào ĐH rồi lại bỏ học, hoặc học xong ĐH lại tiếp tục đi học nghề để kiếm việc làm. Chính vì lẽ đó, việc giúp học sinh ý thức được sở thích nghề nghiệp sau này và sớm có những chuẩn bị, định hướng trong tương lai là điều cần thiết.

Linh Nga