Nếp sống văn hóa đẹp ở làng Boa
Người dân Ca Dong ở làng Boa, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam có một tập tục lâu đời, trở thành nét văn hóa độc đáo. Đó là ăn trầu quanh năm thay… uống rượu.
Nếu như các ngôi làng vùng cao lân cận của làng Boa, mỗi khi khởi sự cho một việc mới hay kết thúc công việc họ thường cùng nhau uống rượu, gọi là vui mừng hay “giải mỏi” thì người dân làng Boa thì khác hẳn.
Từ già cho đến trẻ, tất cả đều không uống rượu mà chỉ nhai trầu. Đúng hơn, mỗi năm người dân làng Boa chỉ uống rượu trong ngày cưới và đón Tết mùa, thời gian còn lại ăn trầu thay cho việc uống rượu.
Sau khi kết thúc một ngày làm việc, ông Nguyễn Văn Phong (71 tuổi), ở làng Boa, cùng vợ và 5 người con quây quần trong căn nhà sàn ấm cúng. Sau khi đánh giá hiệu quả của ngày làm việc và nói rõ phần việc của mỗi thành viên trong ngày tới.
Ông Phong lấy trong túi nilon ra hai quả cau và dùng cây rựa bổ mỗi quả ra làm bốn phần đưa cho các thành viên trong gia đình để ăn. Họ vừa nhai trầu vừa tiếp tục nói về công việc của gia đình.
Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, miếng cau ông Phong bổ ra để cả gia đình dùng khác với cách người miền xuôi thực hiện. Trước hết quả cau để nguyên phần vỏ và phần đuôi.
Người miền xuôi thường cắt đầu và đuôi cũng như gọt bớt màu xanh của vỏ. Hay nếu người miền xuôi lấy miếng trầu có quẹt vôi quấn quanh miếng cau rồi mới đưa vào miệng, thì ở đây, họ cho miếng cau vào miệng nhai trước cho đến khi ra nước, họ mới đưa lá trầu không và vôi vào sau.
Khi được hỏi về cách ăn trầu này, ông Phong cho biết: “Đây là thói quen của người dân ở làng Boa từ nhiều đời nay, cách này khi ăn làm miếng cau cùng với trầu vôi thấm quyện vào nhau đậm đà và ngon hơn. Từ ngày tôi biết ăn trầu, một ngày nhai hơn 10 miếng và cũng không uống rượu”.
Con trai ông Phong là anh Nguyễn Văn Toàn (37 tuổi) ngồi bên cha miệng cũng nhai lóp lép miếng trầu. Anh cho biết, mình biết ăn trầu từ lúc 18 tuổi, cũng từ đó không uống một giọt bia rượu.
Ông Phong cho biết, không uống rượu là lợi thế của thanh niên làng Boa, chỉ nói sơ việc đi tán gái, không chỉ gái trong làng mà ở các làng khác đều thương bởi vì họ không uống rượu, nói năng chững chạc và mạnh mẽ.
Không những thế, ăn trầu giúp cho bộ răng không bị sâu, như ông đã nhiểu tuổi nhưng răng rất chắc, không bao giờ bị sâu răng.
Còn anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Nhiều lúc tôi đi đến các làng khác để ăn cưới, mừng nhà mới, xin tên cho con,... họ mời uống rượu nhưng tôi từ chối. Có người ép phải uống tôi nói thật, mình ngửi thấy mùi rượu bia là không chịu nổi nói gì đến việc uống.
“Mỗi người đều có một túi cau trầu mang theo bên mình để ăn, vì thiếu thì rất khó chịu”, anh Toàn chia sẻ.
Nói như vậy, không phải cả làng không có ai uống rượu. Già làng Boa - ông Hồ Văn Đông cho biết, có một số thanh niên trong làng đi làm ăn và học thói quen uống rượu nên bị nghiện, đem rượu về làng uống bị say xỉn chửi bới mất tình đoàn kết làng xóm.
Những trường hợp này đã xảy ra nhưng đều được ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời bằng cách sau khi họ tỉnh rượu thì già làng đến tận nhà nói chuyện, phân tích tác hại uống rượu bia gây ra để họ hiểu và bắt những người này lúc thèm rượu thì nhai trầu và ai cũng bỏ được.
Già làng Đông cũng khẳng định: “Do không uống rượu mà thanh niên làng Boa khi đến tán tỉnh những cô gái làng khác được nhiều yêu thương “bắt” về làm chồng”. Nói xong ông Đông nở một nụ cười mãn nguyện.
Theo già làng Đông, làng Boa ngày nay có hơn 100 hộ dân được tập trung từ nhiều nóc lại với nhau. Trước đây, người dân sinh sống rải rác trong khu rừng biệt lập với thế giới bên ngoài. Để có cái ăn, bà con thường du canh, du cư.
Thế rồi cha ông Đông là ông Hồ Văn Sơn, sau nhiều lần di cư đã tìm đến vùng đất này lập làng. Họ chặt cây làm nhà, khai khoang cuốc đất làm ruộng bậc thang, dẫn nước từ suối về trồng lúa. Mỗi vụ canh tác, gia đình ông Sơn thu hoạch nhiều lúa, lương thực dư giả.
Thấy vậy, nhiều hộ dân các nơi khác tìm về đây lập nghiệp và hình thành ngôi làng vây quanh cánh đồng lúa rộng khoảng 15 ha. Chính vì lao động vất vả mới làm ra lương thực nên họ trân quý từng hạt gạo.
“Làm ra hạt gạo rất cực khổ mà đem nấu rượu thì không có để ăn. Phần nữa, uống rượu mất thời gian và say xỉn ảnh hưởng đến sức khỏe không đi làm được công việc. Nhận thức được điều này, người dân tộc Ca Dong ở làng Boa không uống rượu. Làng có quy định đám cưới và Tết mùa thì được uống nhưng nếu ai say thì bị phạt bằng cách sang năm sau không cho dự”, già Đông chia sẻ và khẳng định, vì tập tục từ xưa để lại nên con cháu noi theo.
Theo ông Phong, đây là tập tục là nét văn hóa của người dân làng Boa. “Ngay từ nhỏ cha mẹ tôi đến đời tôi và con cháu luôn giữ gìn tập quán trồng cây cau, lá trầu quanh nhà và trên nương rẫy để lấy ăn. Đến mùa cây cau cho quả người dân hái sử dụng, nếu ăn không hết thì bổ ra phơi khô; còn vôi lấy vỏ ốc núi về đốt cháy để tạo thành”, ông Phong nói.
Vừa nhai trầu bỏm bẻm, nước trầu làm cho miệng già Đông có màu đỏ, ông cười và cho biết: “Già rất vui vì thấy thanh niên trong làng mình ý thức và giữ được nét văn hóa này. Không uống rượu họ càng chăm chỉ làm ăn, lo cho gia đình, cả làng bình yên, vui vẻ, mình sướng cái bụng lắm. Mình năm nay 83 tuổi vẫn khỏe do không uống rượu mà chỉ ăn trầu. Càng vui khi thấy con cháu giữ được tập tục này”.