Hà Tĩnh, Quảng Bình: Ngập sâu, nguy cơ sạt lở cao
Ngày 20/10, tại Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa vẫn rất to. Nước các dòng sông trong khu vực vẫn ở mức cao, có nơi trên báo động 3, vượt trận lũ lịch sử năm 1979. Trong khi đó, một số hồ đập lại xả tràn, nước dồn về hạ du. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình những ngày qua đã thực sự là “rốn lũ” với mức độ ngập lụt nặng nề. Cuộc sống của người dân đảo lộn.
Tới chiều ngày 20/10, mưa tạm ngớt, nhưng nước trên các dòng sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn rất cao. Đặc biệt với các huyện miền núi vẫn xuất hiện lũ, nước xiết. Tại các địa phương vùng trũng, nước rút rất chậm.
Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): 18 ca “vượt cạn” trong lũ
Tại Hà Tĩnh, ngày 20/10, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do lũ trên các con sông lớn đang xuống chậm nên cảnh báo ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị ở tỉnh này.
Cho tới chiều ngày 20/10, lũ trên sông Ngàn Sâu đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, trong khi lũ trên sông La đang lên. Trên sông Rào Cái, tại trạm Thạch Đồng, đỉnh triều 2,31 m. Sông Cửa Nhượng, đỉnh triều 1.83 m.
Như vậy, tại Hà Tĩnh, ngập lụt sâu trên diện rộng vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh.
Tại thị xã Kỳ Anh, sáng ngày 20/10, hàng chục cán bộ, chiến sĩ chia ra các khu vực khác nhau nỗ lực tìm kiếm cháu N.Q.C (3 tuổi, ở tổ dân phố Tân Hà, phường Hưng Trí) bị mất tích nghi do nước lũ cuốn trôi. Trước đó vào chiều 19/10 khi cháu đang chơi trước sân nhà, nơi nước lũ ngập tới 1 mét.
Trong sáng ngày 20/10, thị xã Kỳ Anh mưa rất to, nước thượng nguồn đổ về lớn làm một số xã, phường ở vùng hạ du như phường Hưng Trí, xã Kỳ Hoa, xã Kỳ Hà ngập nặng.
Cũng tại Hà Tĩnh, ngày 20/10, thông tin từ Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho biết, bệnh viện đã nổ máy phát điện để có điều kiện phục vụ công tác đỡ đẻ, mổ đẻ thành công cho 18 ca (vào viện ngày 19/10).
Đây là những ca “vượt cạn” trong mùa lũ. Tại huyện Cẩm Xuyên, bệnh viện đa khoa bị ngập sâu. Toàn bộ tầng 1 của bệnh viện chìm trong nước lũ, hệ thống điện bị cắt hoàn toàn. Các phương tiện, máy móc, thiết bị và người bệnh đều được di chuyển lên tầng 2.
Giám đốc bệnh viện, bác sỹ Phan Thanh Minh, cho biết dù bệnh viện bị ngập sâu, nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao của đội ngũ y, bác sỹ, nên mọi bệnh nhân vào viện đều được tiếp nhận, cấp cứu, điều trị.
Cho tới chiều 20/10, nước lũ chỉ mới rút được khoảng 30cm nên toàn Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên vẫn ngập sâu trong nước.
Còn tại hạ du hồ Kẻ Gỗ, lũ rút chậm nên các vùng này vẫn đang bị lũ vây.
Cho tới chiều 20/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh có tới 31.000 hộ/105.373 người của 90 xã tại 10 huyện, thành phố, thị xã bị ngập lụt, bình quân từ 0,5 đến 1 m, riêng đối với các xã của huyện Cẩm Xuyên có nơi bị ngập sâu trên 2 m. Đã có 2 người chết, 2 người mất tích.
Minh Hóa (Quảng Bình): 2 xã bị cô lập
Tại Quảng Bình,chiều 20/10, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa cho biết, nước lũ trên địa bàn huyện có rút nhưng rất chậm.
Toàn huyện vẫn còn 1.889 hộ bị ngập, trong đó xã Minh Hóa 738 nhà, Tân Hóa 706 nhà, Yên Hóa 188 nhà, thị trấn Quy Đạt 141 nhà, Thượng Hóa 100 nhà và Trung Hóa 12 nhà.
Nhiều cầu tràn, ngầm trên địa bàn huyện cũng vẫn bị ngập sâu chưa thể đi lại được. Trong đó nặng nhất là điểm ngập trên quốc lộ 12A, tại thôn Tân Lý, xã Minh Hóa ngập 1,5 m, dài hơn 1 km; chia cắt nhiều bản, làng ở các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa. Riêng 2 xã Minh Hóa và Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn.
Tại xã Trọng Hóa, nước dâng cao dẫn tới nguy cơ sạt lở ở các bản Dộ - Tà vờng, Cha Cáp, Ông Tú, Lé, K.Ing. Tới ngày 20/10, tuyến đường chính vào vùng Lòm bị sạt lở ở đoạn Cha Cáp và Dộ - Tà Vờng, sạt ta luy dương dài 30m. Tại xã Thượng Hóa, đường vào 3 bản Yên Hợp, Ón, Mò O - Ồ Ồ bị sạt lở nghiêm trọng.
Ngày 20/10, khi kiểm tra mưa lũ tại huyện Lệ Thủy, ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần huy động tổng lực để cứu dân, cố gắng bằng mọi cách không để người dân bị đói.
Từ tất cả các nguồn để cứu trợ nhanh nhất cho người dân các vùng ngập lụt sâu, vùng bị chia cắt.
Cũng trong ngày 20/10, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có công văn số 1022-CV/TU do Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng ký, gửi các đơn vị, địa phương trong tỉnh về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ đặc biệt lớn gây ra.
Công văn cho biết, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao trên mức báo động. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đạt đỉnh lũ là 4,88 m, cao hơn báo động 3 là 2,18 m, trên lũ lịch sử năm 1979 là 0,97 m.
Toàn tỉnh có gần 10.000 nhà bị ngập; nhiều đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ không lưu thông được; nhiều thôn, bản bị chia cắt, cô lập; nguy cơ sụt trượt các tuyến đường, sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi và một số vùng ở mức cao.
Quảng Nam: Sạt lở núi làm vùi lấp 3 ngôi nhà dân
Ngày 20/10, thông tin từ UBND huyện Tây Giang cho biết, địa phương đã tổ chức di dời 3 ngôi nhà dân ở xã A Xan bị sạt lở đất chôn vùi.
Trước đó, vào khoảng 1 giờ sáng 19/10, vùng đồi núi phía sau khu dân cư thôn Ga’nil, xã A Xan sạt lở vùi lấp 3 căn nhà của các hộ dân Alăng Nớớch, Riah Ngách, Hốih Cường. Rất may không thiệt hại về người.
Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương cùng Đồn Biên phòng A Xan huy động hơn 100 người hỗ trợ người dân dọn dẹp, tháo dỡ nhà cửa đến khu vực mới. Đồng thời đã hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cho bà con; sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi trú ẩn an toàn.
Tấn Thành-Chí Đại