Tiền không phải tất cả
Trong khi cả nước hướng về miền Trung, chung tay tiếp sức đồng bào vượt qua gian khó, thì có một số kẻ hám lợi lại găm hàng, tăng giá để vét đầy túi tham. Hành vi trục lợi trên nỗi đau của đồng bào miền Trung chính là tội ác.
Những ngày qua, thị trường áo phao cứu sinh bỗng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn rất nhiều, thậm chí có chỗ tăng giá gấp đôi, gấp ba. Nhiều đoàn cứu trợ, thiện nguyện muốn mua áo phao để tặng đồng bào miền Trung chống lũ, hoặc là không có hàng, hoặc là phải chấp nhận mua với giá “cắt cổ”.
Tư thương đã lợi dụng lũ lụt ở miền Trung khiến nhu cầu áo phao tăng cao, đầu cơ, găm hàng để tăng giá trục lợi.
Nhiều chủ cửa hàng áo phao ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ngừng nhận đơn, không bán áo phao với lý do “cháy hàng”. Một số khác thì úp mở “sẽ cố thu xếp được” áo phao nhưng với điều kiện giá cả sẽ bị đội lên ít là vài chục nghìn đồng, nhiều thì gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá thực tế.
Tất nhiên, trong bối cảnh cứu người như cứu hỏa, các đoàn thiện nguyện buộc phải chấp nhận đắt đỏ, không lẽ lại “đợi” giảm giá mới mua?
Hàng ngày, hàng giờ, đồng bào miền Trung đang phải vật lộn với bão lũ, hàng trăm dân thường, cán bộ, quân nhân đã thiệt mạng, mọi tài sản đều trôi theo dòng nước, cần lắm sự sẻ chia yêu thương của toàn xã hội.
Vì thế, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã lặn lội tới vùng lũ lụt cứu trợ đồng bào miền Trung. Ngoài lương thực, thực phẩm, áo phao cứu sinh là một mặt hàng thiết yếu đảm bảo đồng bào miền Trung an toàn trong lũ dữ.
Và cũng vì nhu cầu mua áo phao cứu sinh tăng đột biến nên các gian thương đã lập tức nghĩ ngay đến cách làm giàu bất lương, đó là đầu cơ, găm hàng để nâng giá kiếm lợi. Nhiều tổ chức cứu trợ, không ít đoàn thiện nguyện đã không thể mua được áo phao cứu sinh mang vào trao tận tay đồng bào miền Trung ứng phó với trận đại hồng thủy.
Hành vi của một số gian thương đã gián tiếp tước đi mạng sống của đồng bào miền Trung.
Thật may mắn, số gian thương “máu lạnh”, chỉ nghĩ đến tiền, bất chấp tính mạng của đồng bào miền Trung gặp nguy hiểm, chỉ là thiểu số trong xã hội. Hầu hết mọi người đều hướng về miền Trung với tấm lòng yêu thương, cảm thông, chia sẻ những khó khăn, nguy khốn mà đồng bào nơi đây đang phải gánh chịu bởi sự tàn phá ghê gớm của thiên tai.
Người góp công, người góp của, mỗi người đều mong muốn đóng góp chút sức lực của mình, thể hiện tình đoàn kết để đồng bào miền Trung vơi đi nỗi thống khổ, đau đớn khi hàng ngày đang phải đối mặt hiểm nguy rình rập.
Những người không có điều kiện đến tận “rốn lũ” miền Trung thì góp tiền, hiện vật ủng hộ, người thì lặn lội trao tận tay người gặp nạn từng gói mì tôm, tấm áo phao giúp đồng bào ấm lòng vượt qua gian khó.
Đơn cử như người dân làng La Khê (Hà Nội) đã thức trắng đêm nổi lửa nấu 2.000 chiếc bánh chưng với mong muốn nhanh chóng chuyển đến tận tay nạn dân, giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn trước mắt. Tất nhiên, với hàng vạn nạn dân đang oằn mình chống chọi thiên tai, 2.000 chiếc bánh chưng chẳng thấm tháp vào đâu.
Song, đó không chỉ là những chiếc bánh chưng, mà đó là tấm lòng thơm thảo của người Hà thành.
Vẫn có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dù chỉ là 2.000 chiếc bánh chưng của người dân La Khê, nhưng nó gói trọn yêu thương gửi tới đồng bào miền Trung trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Không chỉ có người dân La Khê, phong trào hướng về miền Trung thân yêu đã lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước với sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nhiều văn nghệ sĩ, người nổi tiếng đã quyên góp hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.
Các cán bộ, công chức, viên chức đã tự nguyện quyên góp một ngày lương với mong muốn san sẻ yêu thương tới đồng bào trong lũ dữ.
Ấy vậy mà vẫn có những kẻ không những không tham gia làm việc thiện giúp đỡ đồng bào miền Trung trong hoạn nạn, mà còn lợi dụng nguy khốn của nạn dân để hòng trục lợi, làm giàu bất chính. Theo quy định của pháp luật, áo phao cứu sinh không phải mặt hàng Nhà nước quản lý giá.
Song, chủ các cửa hàng vẫn phải niêm yết công khai giá bán, không được bán cao hơn giá niêm yết, không được đầu cơ, găm hàng.
Chiếu theo quy định đó, những gian thương cố tình đầu cơ găm hàng để nâng giá bán đều đã vi phạm quy định của pháp luật, nhẹ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dĩ nhiên tiền rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Đừng dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, bất chấp nhân phẩm, đạo lý làm người, kẻo đến lúc hối cũng không còn kịp nữa.