Gần 800 hộ dân phải 'nín thở qua sông': Đề nghị xây cầu cứng thay cầu phao
Ngày 30/9, báo Đại Đoàn kết đăng bài “Gần 800 hộ dân phải “nín thở qua sông”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra nội dung báo nêu, tham mưu, đề xuất, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/10.
Ngày 6/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm có công văn giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra nội dung báo nêu, tham mưu, đề xuất, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/10.
Đến ngày 15/10, Sở GTVT Thanh Hóa có công văn báo cáo, đề xuất chủ tịch UBND tỉnh: “Với mức nước thường xuyên, cầu phao hiện tại phục vụ đi lại đảm bảo. Khi đến mùa nước thường bị rác, bèo dồn đọng phía trên cầu phà, gây nguy hiểm đến cầu.
Đề nghị huyện Thiệu Hóa quan tâm bố trí kinh phí để quản lý cầu (công trực gác cầu, trực gác dọn dẹp rác, bèo trôi...) cũng như thực hiện việc duy tu, thay thế các vật liệu như cáp, xích. Đồng thời, UBND huyện Thiệu Hóa nghiên cứu lắp đặt tời kéo lưỡi phà để mỗi khi cần nâng hạ lưỡi phà, xử lý các việc khác được thuận lợi.
Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu cho đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông và cầu cứng tại khu vực vừa đảm bảo tiêu thoát lũ, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân".
Trước đó, báo Đại Đoàn Kết đã thông tin: Vào khoảng tháng 10/2017, sau trận lụt lớn cây cầu tạm bằng tre, luồng được người dân bắc qua sông để đi lại bị nước lũ cuốn trôi, cả thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa rơi vào tình cảnh bị cô lập.
Sau khi sự cố xảy ra, người dân thôn Tiên Nông đã kéo lên UBND xã Thiệu Long để kiến nghị, xin được làm cầu mới. Để giải quyết, UBND huyện Thiệu Hóa đã phê duyệt dự án làm cầu phao qua sông cho người dân với tổng kinh phí lên đến 3,9 tỷ đồng.
Cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày, nối thôn Tiên Nông với trung tâm xã là một chiếc xà lan lớn dài chừng hơn 20 m được đưa về và đặt vừa vặn với lòng sông mùa nước cạn đã vô tình gây cản trở dòng chảy của sông, bèo, rác cứ trôi về đến đây là bị dồn ứ lại thành núi, kéo dài hàng chục mét.
Đặc biệt, khi mùa lũ đến, vấn đề nghiêm trọng mới bắt đầu nảy sinh. Nước lũ chưa dâng lên đến mức báo động số một thì cầu phao đã bị đẩy lên cao, mỗi đầu hụt một khoảng cách với bờ đến gần 2m, cầu bị vô hiệu hóa, người dân lại rơi vào cảnh cô lập.
Theo người dân địa phương, do khảo sát, thiết kế thi công ẩu khiến nghịch cảnh cầu phao chỉ có thể phát huy tác dụng vào mùa nước cạn đã và đang đẩy người dân thôn Tiên Nông rơi vào cảnh khó khăn, bi hài, mỗi khi có việc cần thiết người dân phải “nín thở” để qua sông mùa mưa bão.