Đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú 'phải được người cho thuê đồng ý'
Đa số ý kiến đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đa số ý kiến đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Về điều kiện đăng ký tạm trú, ông Tùng cho biết, có nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định công dân chỉ được đăng ký tạm trú khi được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Theo ông Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Lý giải cho nhận định trên theo ông Tùng: Vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước.
“Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó.
Do đó, để phục vụ công tác quản lý cư trú của Nhà nước, công dân phải thực hiện việc đăng ký tạm trú và không có cơ sở nào để người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được từ chối, cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú.
Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay” - ông Tùng bày tỏ.
Cũng theo ông Tùng, bên cạnh đó có một số ý kiến tán thành quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bởi đây là quy định của Luật hiện hành.
Ý kiến này cho rằng, việc sử dụng chỗ ở hợp pháp là quan hệ dân sự giữa người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ với người đi thuê, mượn, ở nhờ, theo đó, khi người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký tạm trú vào chỗ ở này thì phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người cho thuê, mượn, ở nhờ chứ không phải đương nhiên được đăng ký tạm trú.
“Dự thảo luật đang được thể hiện theo loại ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại Điều 27” - ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Trước khi Quốc hội thảo luận, trong buổi sáng Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 20 dự thảo luật đưa ra 2 phương án về điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ.
Phương án 1 quy định bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. Còn phương án 2 quy định đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nội dung này Chính phủ thống nhất theo đa số ý kiến của đại biểu theo Phương án 1 là quy định về diện tích nhà ở bình quân tối thiểu/người làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, cần quy định mức tối thiểu là không dưới 8 m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Liên quan đến việc có một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thêm tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất không nên quy định tiêu chí này.
Vì đây là quy định để hạn chế công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương được đăng ký thường trú vào các đô thị này của Luật Cư trú hiện hành; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các tỉnh trong cả nước.
Về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú, tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định 2 phương án. Phương án 1 quy định thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần. Còn Phương án 2 không quy định về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú. Chính phủ đề xuất lựa chọn theo Phương án 1.
Theo đó dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cần quy định về thời hạn tạm trú và gia hạn tạm trú để phù hợp với đặc điểm, khái niệm trong giải thích từ ngữ về “nơi tạm trú” quy định tại khoản 11 Điều 2 dự thảo Luật là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Để bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, nếu người đã đăng ký tạm trú mà không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký và không làm thủ tục gia hạn tạm trú thì sẽ bị xóa đăng ký tạm trú.