Chứng khoán hậu Covid thế nào?

H.Hương 22/10/2020 09:11

Những chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ, những chính sách tài khóa bom tấn tung ra… tất cả trở thành động lực để thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều điểm sáng.

2/3 chặng đường kinh tế năm 2020 đầy biến động do ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Thị trường chứng khoán, với chỉ số VN - Index giảm tới 33% trong quý 1 năm 2020. Tuy nhiên, sau đó thị trường này lại phục hồi rất nhanh và mạnh. Nếu so sánh với khu vực và thế giới thì sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất tích cực, lấy lại những gì đã mất từ đầu năm và vốn hóa thị trường hiện đạt 71,3% GDP.

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở tăng 2,7% và tăng 90% giao dịch trên thị trường phái sinh. Thanh khoản thị trường tốt hơn trên cả kỳ vọng.

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ ra những điểm sáng, nếu xét theo tỷ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan.

Điểm tích cực nữa là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của các tổ chức xếp hạng thị trường FTSE và MSCI.

Ông Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS phân tích, với triển vọng kinh tế, lãi suất tiền gửi ngân hàng rất thấp khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. Hiện dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E (hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu) khoảng 16 lần. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, VPB, TCB...; nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG hay nhóm công nghệ...

Ông Khánh cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Thị trường sẽ sớm quay lại mốc từ 990 - 1.000 điểm trong cuối năm 2020.

Hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tập trung hoàn thiện các hướng dẫn cụ thể cho Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực từ đầu năm tới. Dự báo từ năm 2021, thị trường Việt Nam không chỉ hồi phục mạnh, mà còn có thay đổi về chất và phát triển theo hướng bền vững.

Trong khi đó ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, phân tích, hiện nay số nhà đầu tư so với tổng dân số còn rất ít, 3% dân số đó là nằm trong số những người chịu được rủi ro. Thị trường cần nhà đầu tư chuyên nghiệp để chịu được rủi ro và vượt qua rủi ro chứ không phải người thường xuyên giao dịch. Do vậy cần mở rộng khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán mới. Đồng thời mở rộng khái niệm, quy định một số giao dịch và thị trường chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Vẫn theo ông Hải, cơ cấu, phân mảng loại đầu tư là các bước đi dần dần đảm bảo các nhà đầu tư mới vào thị trường, có thể đi vào những mảng thị trường tốt hơn còn lại nhà đầu tư chuyên nghiệp dám đi vào những thị trường rủi ro cao.

H.Hương