Chỉnh sửa, bổ sung SGK tiếng Việt 1: NXB phải chịu toàn bộ chi phí
Sau những ồn ào về “sạn” của bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Cánh Diều, tới đây Bộ GDĐT sẽ yêu cầu rà soát cả 5 bộ SGK lớp 1 còn lại để kịp thời chỉnh sửa những bất hợp lý (nếu có).
Đồng thời, Bộ GDĐT cho hay sẽ sớm bổ sung quy định về thẩm định và phản biện SGK, nhằm hạn chế những sai sót đáng tiếc. Kinh phí chỉnh sửa, in bổ sung SGK Tiếng Việt 1 do nhà xuất bản cuốn sách này chi trả toàn bộ.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT, năm học 2020- 2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) đối với lớp 1. Tuy nhiên, do tình dịch bệnh Covid-19 nên học sinh (HS) trước khi vào lớp 1 ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 8), do đó, các em hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 (trong chương trình mầm non có nội dung này).
Đặc biệt về phía giáo viên dạy lớp 1, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ, chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tập huấn.
Trước những băn khoăn về việc chỉnh sửa chương trình và SGK lớp 1 bộ Cánh Diều sẽ ra sao, ông Độ cho biết, trước mắt Bộ sẽ chỉ đạo nhà xuất bản với tinh thần là sẽ phát hành SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung, phát miễn phí cho HS đang sử dụng SGK này. Kinh phí do nhà xuất bản cuốn sách này chi trả toàn bộ. Cũng theo ông Độ, một số ngữ liệu phải thay đổi trong sách này nằm ở các bài học ở nửa cuối của sách, nên hiện tại không ảnh hưởng quá nhiều đến việc dạy và học.
Về sự linh hoạt trong quá trình dạy và học chương trình, SGK lớp 1 mới, ông Độ nhận định vai trò của giáo viên rất quan trọng, họ được quyền chủ động trong xây dựng bài học, nên không phải dạy theo hoàn toàn SGK. Những ngữ liệu nào mà giáo viên thấy không phù hợp với HS thì có thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn.
Cùng với đó, chương trình mới không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học. SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường điều chỉnh cho phù hợp (đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn), song trong quá trình thực hiện giáo viên, nhà trường nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn thực hiện theo cách cũ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, sau sự việc của bộ SGK lớp 1 Cánh Diều, Bộ GDĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả rà soát tất cả 5 bộ sách để xem có vấn đề cần chỉnh sửa hay không, những lỗi lớn thì phải thay đổi, những lỗi nhỏ có thể điều chỉnh trong quá trình sử dụng.
Trước đó, các quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt hướng dẫn lựa chọn SGK đã được Bộ GDĐT triển khai qua các bước chặt chẽ. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện việc thẩm định SGK lớp 1 thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33 (về Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK…); qua việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK, đặc biệt là những vướng mắc cần được bổ sung hoàn thiện thời gian qua, Bộ GDĐT đã và đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng Thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.
Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GDĐT yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả viết sách thực hiện các giải pháp linh hoạt , đa dạng để hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục; Các Sở GDĐT yêu cầu nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy và học.