Covid-19: EU báo động đỏ
Bà Brigitte Macron, phu nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp xúc với một người mắc Covid-19 hôm 15/10 và sẽ tự cách ly trong 7 ngày.
Thông tin bà Brigitte Macron (67 tuổi), phu nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp xúc với một người mắc Covid-19 hôm 15/10 và sẽ tự cách ly trong 7 ngày cho dù không xuất hiện triệu chứng bệnh - đã nhận được sự quan tâm không chỉ ở nước Pháp, trong khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại 27 nước Liên minh châu Âu (EU).
1. Tổ chức Y tế thế giới đã bày tỏ sự lo lắng khi số ca Covid-19 mới ở châu Âu tăng 44% chỉ trong vòng 1 tuần.
Trước tình thế khó khăn đó, hầu hết các quốc gia châu Âu đã quay trở lại với những biện pháp cứng rắn như đã từng áp dụng ở đỉnh dịch, hồi tháng 3, tháng 4 năm nay. Đó là việc cách ly, giãn cách, truy vết trên diện rộng; đồng thời quy định người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà cũng như phải rửa tay thường xuyên bằng nước sát khuẩn.
“Đó là những biện pháp không ai muốn nhưng không thể không triển khai, nếu như không muốn châu Âu bị nhấn chìm bởi Covid-19”- Nicolas Farriout, chuyên gia vi trùng học lên tiếng.
Tại Đức, lần đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 hồi tháng 3, chính quyền đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa đối với quận Berchtesgadener Land, nằm ở khu vực Đông Nam của bang Bayern, do số lượng ca bệnh mới tăng mạnh. Theo Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), quận này là điểm nóng Covid-19 với tỷ lệ mắc bệnh cao kỷ lục 252,1 ca bệnh/ 100.000 dân trong vòng 7 ngày. Đây là địa phương hiện có tỷ lệ ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất toàn nước Đức. Thủ tướng Angela Merkel đã phải lên tiếng thúc giục người dân hạn chế tiếp xúc và giới hạn tối đa hoạt động đi lại.
Tại Pháp, tình hình còn căng thẳng hơn. Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố lệnh giới nghiêm đối với khoảng 20 triệu người dân ở khu vực Paris và 8 khu vực đô thị khác của Pháp, trong một nỗ lực cố gắng làm chậm số ca nhiễm. Tới nay, nước Pháp ghi nhận hơn 910.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có tới hơn 33.000 người tử vong liên quan trực tiếp tới dịch bệnh này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận 75 ca tử vong do mắc Covid-19, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ đầu tháng 5. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này cũng lên tới hơn 2.000 người - tương đương với mức đầu tháng 5 khi nước này buộc phải áp đặt các lệnh hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ireland cũng quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ban hành lệnh “ở nhà” trên phạm vi toàn quốc. Các biện pháp mới sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 6 tuần, kể từ 23 giờ ngày 21/10, yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu, còn các nhà hàng, quán bar cũng chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Tại Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 100% trong vòng 1 tuần cũng đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 vòng tháng. Với Italy, các nhà hàng, quán bar cũng buộc phải đóng cửa sớm hơn, và các cơ quan, công ty đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.
Chính phủ Ba Lan cũng đã ban bố 50% lãnh thổ quốc gia ở vào “vùng đỏ”. Còn Thụy Sĩ, nói như Bộ trưởng Bộ Y tế nước này là ông Alain Bersts thì “làn sóng Covid thứ hai đang hiện hữu và có mặt sớm hơn chúng ta nghĩ”.
2. Châu Âu sắp vào Đông, và mùa Đông năm nay được coi là mùa đông cực kỳ khó khăn khi đại dịch Covid-19 không chỉ là đe dọa mà đã hiện hữu. Trong khi đó, triển vọng vaccine ngừa SARS-CoV-2 cũng như thuốc đặc trị Covid-19 thì vẫn chưa thấy đâu.
Trung tuần tháng 5 năm nay, Giám đốc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) Guido Rasi cho biết sẽ sớm cho phép sử dụng thuốc kháng virus điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Thuốc này được cho là sẽ ức chế sự phát triển của virus corona gây bệnh tương tự như Covid-19, cả hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Nhưng rồi, mọi sự vẫn chỉ là “điểm xuất phát”, mặc dù không ít người cho rằng đây là “tiên dược” cho cuộc chiến chống Covid-19. Khó khăn khi triển khai đại trà là do quy định y tế mỗi quốc gia trong EU lại khác nhau.
Tại thời điểm khi mà làn sóng thứ hai đại dịch Covid-19 càn quét châu Âu, người ta lại ngóng chờ vaccine cũng như thuốc điều trị Covid-19. Nhưng hầu hết các cơ quan y tế - dược phẩm của các nước thuộc EU đều cho rằng tương lai vẫn “treo ở phía trước”.
Hôm 21/10, cơ quan Y tế Vương quốc Anh tái khẳng định sẽ đồng ý để một số người đã xác định mắc Covid-19 tiêm thử nghiệm loại thuốc mới, tất nhiên đó phải là những người có nền tảng sức khỏe tốt, không có bệnh nền. Nhưng điều đó cũng chỉ được tiến hành vào đầu năm 2021, trong khi mùa Đông năm nay đã đến rất dễ để các loại virus sinh sôi nảy nở.
“Báo động đỏ” là cụm từ xuất hiện dày đặc trên truyền thông châu Âu lúc này khi nói về đại dịch Covid-19. Nhưng, trong sự hoảng hốt đó cũng cần nhắc lại rằng số người mắc Covid-19 tuy tăng mạnh nhưng số ca tử vong giảm (theo tỉ lệ người mắc và tổng dân số từng quốc gia thuộc EU). Đồng thời, phần lớn số ca nhiễm rơi vào đối tượng trẻ, những người mà cơ thể họ có thể chống cự với virus xâm nhập từ bên ngoài.
Mùa Đông đang đến với châu Âu khi mà số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Đây là làn sóng Covid thứ hai với EU trong khi ám ảnh của những ngày giãn cách xã hội tại đây vẫn khiến nhiều người khiếp đảm. Tại thủ đô Paris của nước Pháp, người dân cho rằng đành phải sống chung với SARS-CoV-2 vì cũng không có cách nào khác. Ở Madrid (Tây Ban Nha), nơi người dân quen “sống về đêm” cũng đành phải chấp nhận thay đổi thói quen sinh hoạt khi chính quyền ra lệnh các nhà hàng, quán bar đóng cửa từ lúc 21 giờ. Với Italy, vốn là “tâm dịch” của châu Âu ở đợt 1, thì nay cũng đã xuất hiện không ít cảnh sát trên các tuyến đường khi chính quyền quyết liệt với làn sóng Covid lần thứ hai.